Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng trưởng xanh

Thời gian qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta luôn chú trọng gắn với tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên dần trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; chỉ đạo thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện xây dựng thí điểm đô thị tăng trưởng xanh tại thành phố Bắc Kạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 khẳng định rõ quan điểm phát triển thời kỳ đến 2020 là: “Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo đảm phát triển bền vững cả về kinh tế xã hội và môi trường trên địa bàn tỉnh”.

Những năm trở lại đây, các địa phương trong tỉnh ngày càng chú trọng thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các địa phương trong tỉnh đang phát triển mạnh mô hình nông nghiệp hữu cơ.

Với lợi thế là đô thị trẻ, cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn đầu tư đồng bộ, thành phố Bắc Kạn có điều kiện để xây dựng đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị, trước mắt để phù hợp với điều kiện thực tế, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết của các phường, xác định vị trí quy hoạch chi tiết một số khu chức năng không có khả năng thực hiện hoặc không còn phù hợp để đề nghị điều chỉnh quy hoạch. Cùng với đó, quan tâm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường, hệ thống thoát nước; đảm bảo tạo cảnh quan, mỹ quan đô thị, hướng tới xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo chính quyền thành phố Bắc Kạn cho biết, thành phố hiện còn thiếu khá nhiều hạng mục như công viên cây xanh, sân vận động, vườn hoa; công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn một số nơi vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng hết yêu cầu của Nhân dân… Tuy nhiên, thành phố có sông Cầu chảy qua từ thượng nguồn, quản lý khu cảnh quan Thác Giềng rộng hơn 500ha với nhiều loài gỗ quý, diện tích trồng rừng ở các xã, phường lớn, do đó việc phát triển đô thị tăng trưởng xanh khá thuận lợi. Thời gian tới, thành phố sẽ nỗ lực lồng ghép, xã hội hóa các nguồn lực, tập trung giải quyết từng bước để đến 2030 phấn đấu là đô thị xanh bền vững.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương các huyện, thành phố từng bước chuyển dịch sang nền “kinh tế xanh” theo hướng thân thiện với môi trường, hạn chế những ngành gây ô nhiễm, cơ cấu kinh tế vùng dựa trên các hệ sinh thái, phát triển hàng hóa, dịch vụ môi trường và năng lượng sạch. Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như: Nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, sinh học, tái sinh rừng tự nhiên… Mặt khác, định hình những khó khăn trước mắt và lâu dài, khách quan và chủ quan để từng bước thay đổi nhận thức, nhất là việc chuyển sang mô hình “kinh tế xanh” sẽ mang lại hiệu quả lợi ích kinh tế bền lâu, thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển Bắc Kạn, trong đó: “...Ưu tiên khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lợi thế của địa phương, trước hết là các sản phẩm chủ lực, tạo ra các đột phá làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và tăng nhanh tích lũy... Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo đảm phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường trên địa bàn tỉnh. Khai thác tài nguyên không làm tổn hại và suy thoái môi trường và cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...”.

Để thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế và chính sách tăng trưởng xanh, điều chỉnh và nâng quy mô triển khai trên cơ sở định kỳ theo dõi, đánh giá. Mở rộng quy mô thí điểm và nhân rộng các quy hoạch tổng thể, các chương trình, dự án trọng điểm. Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu kinh tế theo mô hình nền kinh tế xanh. Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và cộng đồng về tầm quan trọng của thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật và đưa vào áp dụng các mô hình sản xuất xanh, mô hình kinh doanh xanh, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.../.

PV

Xem thêm