Khó khăn trong công tác dân số khi không còn đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ ngày 01/8/2020, công tác Dân số - KHHGĐ; nhân viên y tế thôn/tổ dân phố do những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn/tổ dân phố kiêm nhiệm. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ công tác dân số ở cơ sở hiện nay đang gặp những khó khăn nhất định.

Chăm sóc sức khỏe snh sản tại Ngân Sơn
Chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Ngân Sơn.

Theo số liệu thống kê, trước khi thực hiện Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, toàn tỉnh có 1.310 nhân viên y tế thôn bản kiêm cộng tác viên dân số. Đội ngũ người làm công tác dân số cấp xã và cộng tác viên dân số thôn, tổ dân phố trong tỉnh đã được kiện toàn và bắt đầu ổn định trong thực hiện nhiệm vụ thống kê, báo cáo và triển khai một số hoạt động của các chương trình, đề án dân số ở cơ sở.

Thực hiện Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, từ ngày 01/8/2020 trong 03 chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn/tổ dân phố, không có chức danh cộng tác viên Dân số- KHHGĐ; nhân viên y tế thôn bản, do những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn/tổ dân phố kiêm nhiệm. Triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Sở Y tế có văn bản chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp huyện chỉ đạo đội ngũ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố thực hiện nghiêm nhiệm vụ dân số ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BYT của Bộ Y tế. Việc quản lý nhiệm vụ thực hiện công tác dân số ở cấp xã; tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số ở địa phương được giao cho Sở Y tế tỉnh đã góp phần ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở cơ sở hơn so với mô hình trước và có sự thuận lợi trong công tác chỉ đạo.

Tuy nhiên, sau hơn 03 tháng triển khai Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, hoạt động công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: Các nhiệm vụ chuyên môn, công tác tuyên truyền vận động, thông tin số liệu báo cáo thống kê, kho dữ liệu dân cư, hoạt động của chương trình, đề án... chương trình dân số ở cơ sở bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện.

Về nguyên nhân, bên cạnh mô hình tổ chức bộ máy làm công tác Dân số - KHHGĐ trên toàn quốc không thống nhất; hệ thống tổ chức làm công tác dân số cấp xã, thôn/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thường xuyên có sự thay đổi, từ ngày 01/8/2020 không còn chức danh làm công tác Dân số - KHHGĐ ở cấp xã; không có chức danh cộng tác viên dân số- KHHGĐ.

Để công tác Dân số- KHHGĐ đạt hiệu quả hơn, đồng chí Lèng Hoàng Thái Huân- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Trước hết phải có hệ thống tổ chức bộ máy thống nhất trên toàn quốc, tránh tình trạng mỗi địa phương có một mô hình tổ chức khác nhau. Do vậy, Chi cục Dân số- KHHGĐ đề nghị Sở Y tế đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương sớm quy định hệ thống tổ chức bộ máy về công tác Dân số - KHHGĐ để thống nhất thực hiện trên toàn quốc. Đề nghị Sở Y tế đề xuất với cấp có thẩm quyền thống nhất về mô hình chuyên trách làm công tác Dân số- KHHGĐ theo hướng, cấp tỉnh duy trì, kiện toàn mô hình Chi cục Dân số - KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế như hiện nay; tiến tới phát triển Ủy ban hoặc Ban Chỉ đạo phối hợp liên ngành về dân số và phát triển cấp tỉnh. Cấp huyện, duy trì và kiện toàn mô hình phòng Dân số trực thuộc Trung tâm Y tế đa chức năng như hiện nay; có Ban Chỉ đạo phối hợp liên ngành về dân số và phát triển ở cấp huyện. Cấp xã và thôn/tổ dân phố, giao viên chức thuộc biên chế của Trạm y tế cấp xã thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ ở cấp xã; ổn định đội ngũ nhân viên y tế thôn bản làm công tác Dân số - KHHGĐ, trước mắt thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của viên chức dân số- KHHGĐ và cộng tác viên dân số- KHHGĐ thôn bản theo quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BYT của Bộ Y tế./.

Việt Bắc

Xem thêm