Tăng cường tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học

Những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH). Qua đó, góp phần bảo vệ ĐDSH, ứng phó với biến đổi khí hậu(BĐKH) trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Kiểm lâm Khu Bảo vệ cảnh quan Thác Giềng kiểm đếm số lượng cây nghiến bằng hệ thống định vị.
Cán bộ Kiểm lâm Khu Bảo vệ cảnh quan Thác Giềng kiểm đếm số lượng cây nghiến bằng hệ thống định vị.

Bắc Kạn được ghi nhận là một trong những tỉnh có ĐDSH cao của cả nước, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú và đặc hữu. Các hệ sinh thái (HST) với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế địa phương, đặc biệt là trong sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn dược liệu, thực phẩm… Mặt khác, các HST có tính ĐDSH cao đang thu hút nhiều khách du lịch, hứa hẹn đem lại nhiều giá trị về kinh tế. Ngoài ra, trong bối cảnh ô nhiễm ngày càng gia tăng, BĐKH đang trở nên khắc nghiệt hơn, thì vai trò ứng phó với BĐKH của các HST càng quan trọng.

Xác định tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về bảo tồn ĐDSH tới các ngành, các cấp, địa phương trong toàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ ĐDSH, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hằng năm, ngành chức năng của tỉnh đều tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH tại các địa phương cơ sở nằm trong khu bảo tồn của tỉnh như: Vườn Quốc gia Ba Bể; Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ; Khu Bảo vệ cảnh quan Thác Giềng, với hàng trăm lượt người tham gia.

Quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể Phạm Văn Chí cho biết: Để bảo tồn và phát triển ĐDSH trên địa bàn tỉnh, thì một trong những biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng. Những năm qua, Vườn Quốc gia đều phối hợp với ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các cấp huyện Ba Bể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ các diện tích rừng đặc dụng, động vật hoang dã bằng nhiều hình thức dễ hiểu, sinh động, kết hợp nắm thông tin ở thôn, bản. Cùng với đó, tiến hành ký kết giao khoán toàn bộ diện tích cho 41 thôn, bản quản lý, bảo vệ, trung bình mỗi thôn nhận khoán từ 50-70ha, phối hợp với kiểm lâm tuần rừng từ 3-4 lần/tuần; vận động người dân giao nộp súng săn, nhờ đó đã hạn chế thấp nhất tình trạng săn bắt động vật hoang dã trong khu vực Vườn Quốc gia quản lý, góp phần bảo vệ tính ĐDSH, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm tại Vườn Quốc gia Ba Bể.

Cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể tuyên truyền, phổ biến về bảo tồn ĐDSH cho người dân trên địa bàn.
Cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể tuyên truyền, phổ biến về bảo tồn ĐDSH cho người dân trên địa bàn.

Hiện nay, tỉnh ta có hơn 160.000ha rừng tự nhiên, chủ yếu tập trung ở hai khu bảo tồn thiên nhiên, một khu bảo vệ cảnh quan, một vườn quốc gia, với rất nhiều hệ động, thực vật đa dạng, phong phú; nguồn dược liệu và các nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, hiện nay điều đáng lo ngại là chất lượng rừng tự nhiên tiếp tục giảm. Độ che phủ rừng tuy có xu hướng tăng, nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức ĐDSH thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức ĐDSH cao nhưng tỷ lệ bảo tồn còn thấp. Cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật, xây dựng các khu bảo tồn ĐDSH, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường đào tạo tiềm lực, năng lực cán bộ, đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trong các khu bảo tồn như đường giao thông, điện, thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đời sống của Nhân dân được cải thiện, từ đó hạn chế tình trạng người dân xâm hại làm ảnh hưởng đến tính ĐDSH trong các khu bảo tồn.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng cơ bản được giữ vững và ổn định, từ năm 2016 đến nay đã tổ chức tuyên truyền được 5.162 cuộc, với gần 195 nghìn lượt người tham gia; giai đoạn 2016 - 2020 xảy ra 17 vụ cháy, diện tích thiệt hại khoảng 25ha, giảm 17ha so với giai đoạn 2011-2015; lập biên bản 2.013 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; các vụ vi phạm được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý theo đúng quy định, tuy nhiên, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn ở mức cao, một số địa phương vẫn còn để xảy ra các vụ khai thác hoặc phá rừng trái phép nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Để bảo tồn và phát triển ĐDSH trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ ĐDSH, tham gia và chia sẻ lợi ích từ các nguồn lợi về du lịch sinh thái, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các ngành và địa phương, nhất là các địa phương có khu bảo tồn duy trì làm tốt việc cam kết thực hiện bảo tồn và phát triển ĐDSH.../.

Quý Đôn

Xem thêm