Đậm đà hương vị chè Ba Bể

Dừng chân bên đồi chè xanh mướt, hàng lối uốn lượn theo vòng ôm trọn quả đồi của gia đình anh Nguyễn Định Vượng, một trong những hộ gắn bó lâu năm với cây chè ở thôn Khuổi Coóng, xã Chu Hương (Ba Bể), đón chúng tôi là cơn mưa phùn lất phất bay đã tưới mát lên những nương chè khô hạn suốt mùa đông, những búp chè xanh mơn mởn và căng tròn nhựa sống báo hiệu một mùa chè bội thu...

Dừng chân bên đồi chè xanh mướt, hàng lối uốn lượn theo vòng ôm trọn quả đồi của gia đình anh Nguyễn Định Vượng, một trong những hộ gắn bó lâu năm với cây chè ở thôn Khuổi Coóng, xã Chu Hương (Ba Bể), đón chúng tôi là cơn mưa phùn lất phất bay đã tưới mát lên những nương chè khô hạn suốt mùa đông, những búp chè xanh mơn mởn và căng tròn nhựa sống báo hiệu một mùa chè bội thu...

Anh Nguyễn Định Vượng chia sẻ: Cây chè dễ trồng, phù hợp với đồi thoai thoải dốc, gắn bó với người dân nơi này từ rất lâu nhưng chủ yếu được trồng thưa, không chăm sóc. Năm 2005 trong một lần đi thăm bà con ở Thái Nguyên, thấy họ trồng chè trên đất đồi có thu nhập tốt, anh học tập kinh nghiệm và mua giống chè cành về trồng xen dưới những gốc vải và trồng mới hơn 5.000m2 giống chè địa phương. Đến năm 2007, có dự án hỗ trợ trồng chè cành LDP1, Nhà nước hỗ trợ 60% và người dân đối ứng 40%, gia đình đã trồng thêm 1.000m2. Hiện, tổng diện tích thâm canh chè gần 1ha.

Một năm được hái liên tục 7 tháng và cứ 1 tháng thu được 1 tạ chè khô. Giá bán tùy vào thời điểm, từ 65.000 - 130.000 đồng/kg. Xác định cây chè là cây trồng mang lại nguồn thu chính cho gia đình nên việc chăm sóc được vợ chồng anh chú trọng từ bón phân đến làm cỏ, đầu tư máy móc sơ chế chè bằng điện… Lượng chè khô của gia đình bán ổn định, sản xuất đến đâu thương lái đến tận nơi thu mua. Dù giá chưa cao nhưng đây thật sự đang là nguồn thu chính của nhiều gia đình.

Pha ấm nước chè mời chúng tôi, anh Nguyễn Định Vượng cho biết: Để có được sản phẩm tốt cũng có kinh nghiệm, nhiệt độ phải điều chỉnh phù hợp và công đoạn lấy hương rất quan trọng. Mỗi người có một cảm nhận về vị chè nhưng nước chè có màu vàng xanh, chát ở đầu lưỡi mà phải có vị ngọt nơi cuống họng.

Rời thôn Khuổi Coóng, chúng tôi đến xã Mỹ Phương, nơi có diện tích chè nhiều nhất huyện Ba Bể và bước đầu thành công trong việc thành lập hợp tác xã sản xuất chè. Niềm vui như nhân đôi khi sản phẩm chè khô của Hợp tác xã đã được công nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Đây là bước đệm cho việc nâng cao giá trị sản phẩm chè Ba Bể, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân và mở rộng thị trường tại các thành phố lớn.

Bà Lê Thị Hà- Giám đốc Hợp tác xã chè Mỹ Phương chia sẻ: Hợp tác xã có 7 thành viên, với hơn 30ha trồng chè. Hiện, hợp tác xã đã có nhà xưởng, đầu tư hệ thống sơ chế chè bằng điện, sản phẩm chè được đóng gói, hút chân không và in nhãn mác, đủ các tiêu chuẩn để phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Mới thành lập nên việc hoạt động của hợp tác xã chưa thống nhất, bắt đầu từ vụ chè xuân chúng tôi sẽ sản xuất chè theo quy trình, đảm bảo chất lượng chè đồng đều và trồng thử nghiệm một số giống chè chất lượng cho giá trị kinh tế cao. Vận động bà con chú trọng nâng chất lượng sản phẩm, cam kết áp dụng đúng quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm sản phẩm chè an toàn cho người tiêu dùng.

Huyện Ba Bể có hơn 600ha chè, được trồng tập trung tại các xã Mỹ Phương, Chu Hương, Yến Dương, Địa Linh… Nhiều năm qua, cây chè đã giúp người dân có thu nhập. Xác định đây là một trong những cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, huyện Ba Bể đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc, mở các lớp đào tạo nghề sản xuất chè an toàn và định hướng hình thành các vùng chuyên canh. Đồng thời, cải tạo diện tích chè kém hiệu quả, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, coi trọng công tác bảo đảm an toàn trong toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến chè. Việc thành lập Hợp tác xã chè Mỹ Phương đã bước đầu tạo động lực cho thương hiệu chè Ba Bể nâng cao giá trị kinh tế, khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường. Tiến tới xây dựng mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGAP, ứng dụng khoa học - kỹ thuật với bí quyết hái chè, chế biến, sao, bảo quản, lấy hương, từ đó tạo ra những sản phẩm chè độc đáo, thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những đồi chè xanh mướt không chỉ giúp người dân có thu nhập mà còn được kỳ vọng là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút khách du lịch khi đến tham quan Vườn Quốc gia Ba Bể. Đây sẽ là sản phẩm đặc trưng giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước khi đến Ba Bể./.

Hà Nhung