Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng

Những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí luôn được Đảng bộ tỉnh và các địa phương hết sức coi trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Công tác kiểm tra, giám sát được tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như: Quản lý đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, công tác cán bộ…
Công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như: Quản lý tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản...

Những năm qua, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ban hành kế hoạch tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng tiến hành các cuộc thanh tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tổ chức thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung vào những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như: quản lý đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản...

Trong năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 255 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kiến nghị thu hồi số tiền hàng tỷ đồng. Ban hành 137 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tiếp tục theo dõi việc thực hiện đối với các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra đã ban hành; tiến hành đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra bằng văn bản đối với 38 kết luận. Kiểm tra trực tiếp việc thực hiện đối với 08 kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, điều hành để điều chỉnh, bổ sung; xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức đảng, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Song song với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cơ quan kiểm tra đảng, cơ quan thanh tra, các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan chức năng đã chủ động báo cáo, xin ý kiến cấp ủy trong quá trình xem xét, giải quyết; đồng thời cấp ủy kịp thời cho ý kiến chỉ đạo, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Bên cạnh sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp, ngành, hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã bám sát chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, đồng thời lựa chọn những nội dung phù hợp, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm để giám sát. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức các cuộc giám sát tại cơ sở, phối hợp với đoàn thể các cấp tổ chức các cuộc giám sát những nội dung như: Việc thực hiện bình xét các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh; quản lý và sử dụng nguồn quỹ do Nhân dân đóng góp trong xây dựng nông thôn mới... Các hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh thực hiện đúng quy trình, bảo đảm chính xác, dân chủ, công khai và có sự tham gia của người dân, trong quá trình giám sát không phát hiện trường hợp nào có biểu hiện tham ô, tham nhũng, lãng phí.

Năm 2020, các cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp hơn 1.110 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý gần 1.900 đơn thư, đã giải quyết trên 90% số vụ việc, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Trong năm, có 04 trường hợp bị kỷ luật liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra các hành vi tham nhũng trong cơ quan mình quản lý, phụ trách.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được và sự vào cuộc của nhiều sở, ban, ngành, địa phương thì hiện nay, vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác kiểm tra, giám sát còn chưa được phát huy; chưa chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Các vụ việc tham nhũng, sai phạm về kinh tế được phát hiện chủ yếu thông qua đơn tố cáo của công dân, báo chí phản ánh. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng qua thanh tra còn hạn chế.

Với những giải pháp phòng, chống tham nhũng được triển khai qua từng năm, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương cùng sự giám sát của người dân, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh ta đã có chuyển biến trong nhận thức và hành động.../.

Duy Khánh

Xem thêm