Bạch Thông: Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ xuân

Nhờ gieo trồng đúng khung thời vụ, thời tiết thuận lợi nên diện tích lúa xuân, ngô và cây nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn huyện Bạch Thông phát triển tốt. Bà con nông dân các địa phương trong huyện đang tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Nhờ gieo trồng đúng khung thời vụ, thời tiết thuận lợi nên diện tích lúa xuân, ngô và cây nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn huyện Bạch Thông phát triển tốt. Bà con nông dân các địa phương trong huyện đang tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Vụ xuân 2021, toàn huyện gieo cấy được 1.200ha lúa, cơ cấu giống chủ yếu là Khang dân, Hà phát 3, J02, HT1 và một số giống lúa lai. Nét tích cực trong sản xuất vụ xuân năm nay là người dân bảo đảm gieo cấy đúng khung thời vụ, kết thúc cấy trước ngày 15/3. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh hại.

Người dân huyện Bạch Thông làm cỏ chăm sóc lúa xuân.
Nông dân huyện Bạch Thông chăm sóc lúa xuân.

Đồng chí Lăng Văn Thụy- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông cho biết: Thời điểm này những năm trước tình hình sâu, bệnh trên lúa xuân của huyện thường đã diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thời gian qua về đêm và sáng sớm có sương mù, ngày trời âm u, nắng mưa xen kẽ nhưng sâu bệnh hại lúa chưa phát triển mạnh. Cụ thể: Bệnh đạo ôn lá tỷ lệ phổ biến 1%, cao 5%, cá biệt 10%, diện tích nhiễm khoảng 2.000m2 tại thôn Nà Pái, xã Vi Hương. Bệnh nghẹt rễ tỷ lệ mắc phổ biến là 1%, cao 5%, xuất hiện rải rác ở các xã với diện tích nhiễm khoảng 2.000m2. Bọ rầy và bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá gây hại nhẹ, rải rác tại các địa phương.

Đến nay, nhiều diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, một số diện tích đứng cái chuẩn bị làm đòng. Đây là giai đoạn quan trọng cần được chăm sóc để phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh. Thời gian tới, bà con cần điều tiết nước, rút nước để ruộng “nứt nẻ chân chim” nhằm mục đích cho bộ rễ mọc dài, tỏa rộng và bám sâu vào đất, làm tăng khả năng hút chất dinh dưỡng và chống đổ. Đối với diện tích lúa cấy sớm và giống ngắn ngày, khi thấy thắt eo đầu lá thì tiến hành bón đón đầu với lượng phân bón từ 6 - 7kg phân đạm cộng với  10 - 11kg kali/1.000m2 giống lúa thuần; bón từ 8 - 10kg đạm cộng với 12 - 13kg kali/1.000m2 giống lúa lai. Đối với giống lúa J02, khi phát hiện bệnh đạo ôn thì tiến hành phun trừ ngay, không để lây lan diện rộng.

Ông Đàm Văn Học, thôn Khuổi Dấm, xã Cẩm Giàng cho biết: Thời điểm mới cấy, ốc bươu vàng xuất hiện khá nhiều nên gia đình phải kết hợp bắt thủ công và phun thuốc diệt trừ. Hiện nay trên diện tích 1.000m2 lúa Khang dân 18 của gia đình ông bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá và rệp trắng nên sẽ tiến hành phun trừ trong vài ngày tới.

-	Chị Đinh Thị Xanh, người dân thôn Nà Khoang, xã Vũ Muộn phun thuốc diệt trừ sâu bệnh cho cây nguyên liệu thuốc lá
Chị Đinh Thị Xanh, thôn Nà Khoang, xã Vũ Muộn phun thuốc diệt trừ sâu bệnh cho cây thuốc lá.

Vụ xuân năm nay, huyện Bạch Thông gieo trồng 400ha cây ngô, hiện đang trong giai đoạn xoáy nõn. Tuy nhiên, bệnh đốm lá, thối thân, sâu kèo mùa thu... đang gây hại nhẹ rải rác tại các địa phương. Đối với diện tích cây ngô được 3 – 4 lá, người dân tiếp tục bón thúc phân đạm, kali, kết hợp với làm cỏ, xới phá váng; cây từ 7 – 9 lá, tiến hành bón thúc lần 2 với lượng phân đạm và kali tăng, kết hợp làm cỏ, vun gốc. Ngoài ra, diện tích 83ha cây nguyên liệu thuốc lá của huyện đang phát triển tốt, bà con tập trung chăm sóc và chủ động phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, trong thời gian tới với hình thái thời tiết nắng mưa xen kẽ tạo thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng nhưng cũng là điều kiện cho sâu, bệnh phát triển mạnh. Do vậy, người dân cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng và thực hiện tốt các hướng dẫn, chỉ đạo của ngành chức năng để có vụ xuân thắng lợi./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm