Phụ nữ Bắc Kạn khởi nghiệp từ mô hình kinh tế tập thể

Vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng hợp tác xã, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng làm đòn bẩy thúc đẩy công tác Hội và phong trào phụ nữ trong tỉnh phát triển ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng hợp tác xã, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng làm đòn bẩy thúc đẩy công tác Hội và phong trào phụ nữ trong tỉnh phát triển ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Chị Lý Thị Niên, Giám đốc HTX bún phở Quỳnh Niên thành công với mô hình kinh tế tập thể.
Chị Lý Thị Niên- Giám đốc HTX bún phở Quỳnh Niên bước đầu thành công với mô hình kinh tế tập thể.

Thành lập từ cuối năm 2017, Hợp tác xã bún phở Quỳnh Niên, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn) đã khẳng định được uy tín sản phẩm trên thị trường trong nước với sản phẩm bún khô, phở khô đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, ký kết tiêu thụ tại hệ thống Siêu thị Big C và trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào khởi nghiệp của phụ nữ.

Bún, phở khô của Hợp tác xã bún phở Quỳnh Niên được làm từ gạo Bao thai bản địa, sản xuất trên dây chuyền hiện đại với phương thức truyền thống, không dùng bất kỳ phụ gia hóa chất nhưng vẫn giữ được độ dai và hương vị thơm ngon của bún, phở truyền thống.  Uy tín, chất lượng đã tạo nên thương hiệu nên bình quân mỗi ngày Hợp tác xã chế biến khoảng 2 - 3 tạ gạo, cung cấp ra thị trường hơn 250kg phở tươi, phở ngốt, bún khô, phở khô cho các nhà hàng trong, ngoài tỉnh; tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động địa phương. Năm 2020, Hợp tác xã đạt doanh thu trên 1,4 tỷ đồng. Để giữ uy tín sản phẩm, mở rộng thị trường, Hợp tác xã bún phở Quỳnh Niên phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị gồm: Xây dựng vùng nguyên liệu gạo Bao thai bản địa với người dân địa phương, ký cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói đầy đủ nhãn mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc… để hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chị Lý Thị Niên- Giám đốc Hợp tác xã bún phở Quỳnh Niên chia sẻ: Sau hơn 4 năm hoạt động, Hợp tác xã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành từ hỗ trợ vốn vay, máy móc, kỹ thuật đến giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Sự nỗ lực, đóng góp của Hợp tác xã đã được ghi nhận không chỉ bằng uy tín trên thị trường mà vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn năm 2019; giấy khen trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016 – 2020, Hợp tác xã tiêu biểu năm 2018 – 2019…

Không chỉ riêng mô hình kinh tế tập thể của chị Niên, thời gian qua, nhờ sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp Hội Phụ nữ, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, các cấp Hội duy trì 15 hợp tác xã với 179 thành viên hoạt động có hiệu quả; 38 tổ hợp tác với 470 thành viên hoạt động ở các lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Trong năm 2020, các cấp Hội cơ sở phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn khởi sự và quản trị kinh doanh; 01 lớp tập huấn kỹ năng xây dựng đề án/ý tưởng lập kế hoạch kinh doanh cho đại diện 25 tổ hợp tác tham dự; Hội LHPN tỉnh tập trung hướng dẫn 06 mô hình hợp tác xã lập kế hoạch kinh doanh tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối thành công” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức; tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng lực cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp OCOP”; tỉnh Hội phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ giá trị bản địa và môi trường bền vững (CHIASE) tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động tại huyện Chợ Mới, dự án đã tập trung hỗ trợ các hoạt động cho 02 HTX chè và 41 tổ nhóm với 611 thành viên về tập huấn kiến thức về quản lý, kiến thức khoa học kỹ thuật…

Đồng chí Hà Thị Liễu- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Mô hình kinh tế tập thể đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, phát huy được thế mạnh của từng địa phương và xây dựng thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế và khẳng định được vai trò, vị thế của người phụ nữ ở lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, các cấp Hội Phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hội viên nắm được những kiến thức cơ bản về kinh tế tập thể, nguyên tắc, điều kiện tham gia hợp tác xã, quy trình thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn khi tham gia hợp tác xã. Thông qua hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, nhiều chị em đã vượt khó vươn lên, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với mục tiêu thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, thời gian tới các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh giúp nhau khởi nghiệp; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn quỹ hỗ trợ. Đặc biệt, mỗi chị em phụ nữ cần chủ động tích cực học hỏi, mạnh dạn để có thể tự mình thay đổi cuộc sống, trở thành tấm gương phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Hà Nhung

Xem thêm