Chợ Mới tăng cường chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Chợ Mới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế vùng; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp...

Để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Chợ Mới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế vùng; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp...

Huyện đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Việc nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng đã bảo đảm nước tưới cho hơn 90% diện tích đất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, hiệu quả đầu tư.

Chợ Mới tăng cường chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ảnh 1

Người dân xã Cao Kỳ thu hoạch khoai tây vụ đông.

Nhờ đầu tư có trọng điểm nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt được kết quả quan trọng. Cụ thể: Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện chủ trương đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất. Từ chỗ chỉ sản xuất hai vụ lúa trong năm, đến nay đã tăng lên 3 vụ, với vụ đông đang được định hướng là vụ sản xuất chính. Tỷ lệ sử dụng giống lúa lai chiếm hơn 85%. Diện tích thực hiện cánh đồng đạt giá trị 100 triệu đồng/ha được 440ha, đạt 100% kế hoạch. Toàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: Thuốc lá, chè Shan tuyết, hồi, quế ở các xã phía Đông (Yên Hân, Yên Cư, Bình Văn); cam, quýt, chuối tây, trồng rừng ở các xã phía Tây (Thanh Mai, Thanh Vận, Mai Lạp); cây chè trung du ở các xã vùng trung tâm.

Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục được phát triển đúng định hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo từng giai đoạn. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi có quy mô, hiệu quả kinh tế, như: Hợp tác xã Thành Đạt, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố... Tổng đàn trâu, bò toàn huyện hiện có hơn 4.000 con, đàn dê hơn 3.000 con, đàn lợn hơn 5.000 con; diện tích ao nuôi thủy sản hơn 170ha.

Việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng kỹ thuật mới được coi là chìa khóa giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, ngành chức năng của huyện đẩy mạnh việc tổ chức, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”; các quy trình kỹ thuật được biên soạn thành tài liệu tập huấn, tờ gấp để phát cho người dân để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện thực hiện tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, các quy trình, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện mô hình canh tác công nghệ cao (nhà lưới) với hệ thống tưới tự động, kiểm soát sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong thu hoạch lúa, sử dụng phổ biến máy gặt đập liên hợp, giúp tăng năng suất, giảm bớt thời gian, công sức của người dân.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về triển khai Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), huyện Chợ Mới đã ban hành kế hoạch thực hiện, tuyên truyền và khuyến khích các tổ chức kinh tế, người dân trên địa bàn tham gia. Đồng thời, khảo sát trên địa bàn về tiềm năng, sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu của mỗi địa phương để đưa vào đề án. Với sự nỗ lực của các HTX, sự hỗ trợ của các sở, ngành, toàn huyện đã có nhiều nông sản được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tiêu biểu như: Trà mướp đắng rừng, chè Như Cố của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (xã Như Cố); mật ong của HTX Thành Đạt (xã Nông Hạ); chè Shan tuyết của HTX Bản Cháo (xã Yên Cư) và bún khô của HTX 20/10 (xã Nông Hạ). 

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của huyện còn một số hạn chế, như: Việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp còn chậm. Hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp. Năng suất cây trồng thường mới đạt 70% mức bình quân chung của cả nước. Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ còn nhiều bất cập. Công tác bảo quản sau thu hoạch, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế.

Vì thế, để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, theo lãnh đạo huyện, cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Ngoài việc khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cần đẩy mạnh kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác. Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và gắn với thị trường tiêu thụ để mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Tăng cường chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo từng vùng, từng địa bàn, từng lĩnh vực thông qua chương trình khuyến nông, tập huấn; trang bị cho người dân kiến thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và đào tạo kỹ thuật. Thông qua các hoạt động này, người dân được tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt kết quả cao, từng bước thay đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang liên kết sản xuất.

Bên cạnh đó, khi xây dựng mô hình và tổ chức hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân phải xác định được lợi thế về thổ nhưỡng để áp dụng những kỹ thuật phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Sử dụng nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thông qua hệ thống đài truyền thanh, Bản tin Khuyến nông, Email, mạng xã hội (Zalo, Facebook)… nhằm giúp người dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận thông tin./.

HV

Xem thêm