Hợp tác xã nông nghiệp tìm hướng phát triển bền vững:

Hoạt động của hợp tác xã còn nhiều khó khăn (Bài 1)

Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng, thậm chí đã xin giải thể vì sản xuất không hiệu quả.

Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều hợp tác xã hoạt động cầm chừng, thậm chí đã xin giải thể vì sản xuất không hiệu quả.

HTX Yến Dương (Ba Bể) với mô hình 6ha bí thơm, với sản lượng 200 tấn, tạo thu nhập hiệu quả cho các thành viên và người lao động.
HTX Yến Dương (Ba Bể) có 6ha bí xanh thơm, sản lượng đạt 200 tấn, mang lại thu nhập khá cho các hộ thành viên.

Hiện, toàn tỉnh Bắc Kạn có 199 hợp tác xã và 126 tổ hợp tác, chủ yếu hoạt động lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và cung cấp các dịch vụ… Trong đó, HTX nông nghiệp là 147 HTX, chiếm 79%, với gần 1.900 thành viên. Tổng số vốn điều lệ của các HTX là 182.013 triệu đồng, doanh thu bình quân 620 triệu đồng/HTX. Chỉ có 19 HTX được đánh giá loại tốt và 32 HTX xếp loại khá theo Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT.

Điều đáng nói là số lượng, chất lượng và quy mô của HTX nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp. Tính từ năm 2019 đến nay có 18 HTX đã giải thể. Nguyên nhân, là do mỗi mô hình HTX có đặc thù và phương thức hoạt động riêng, trong khi Luật HTX 2012 áp dụng chung cho tất cả các loại hình. Bên cạnh đó, phần nhiều các HTX hiện nay cơ sở vật chất, kỹ thuật đã lạc hậu, xuống cấp; quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, thiếu sự đột phá, không có tính bền vững và chưa tương xứng với nhu cầu, kỳ vọng của thành viên. Số ít HTX còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nắm bắt thông tin thị trường, giá cả chậm, chưa chủ động trong liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu, kinh nghiệm, kiến thức tổ chức sản xuất và nghiệp vụ kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Đặc biệt, phần lớn HTX đều thiếu vốn lưu động đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khó tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Hầu hết các HTX không có nhiều tài sản thế chấp để vay vốn. Dẫn đến nhiều HTX chỉ thành lập mà chưa có tầm nhìn, chiến lược dài hạn, thiếu chủ động trong việc xây dựng phương án tổ chức sản xuất, không quan tâm nhiều đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm, không phát huy được hiệu quả chuỗi giá trị... Những nguyên nhân này khiến nhiều HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, yếu kém; tình trạng nợ đọng kéo dài, hoạt động chỉ mang tính hình thức mà không phát huy được năng lực nội tại. Thậm chí có HTX đã ngừng hoạt động và giảm số lượng thành viên qua từng năm nhưng vẫn tồn tại trên danh nghĩa, trên giấy tờ, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.

Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trong lĩnh vực hoạt động trồng rừng, trồng rau, anh Ma Văn Nam chia sẻ: Năm 2014 HTX nông nghiệp Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm được thành lập với 08 thành viên. Nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế cho hộ nghèo, anh Nam đã mạnh dạn thuê 16ha đất để cùng các hộ thành viên trồng rau sạch, trồng rừng. Những năm đầu hầu như chưa có thu nhập, đến năm 2015 thì các hộ bình quân trồng rau doanh thu được khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng. Do chỉ thuê đất của thôn trồng rau, nên mọi thủ tục vay vốn đều gặp khó khăn. Anh Nam đã phải lấy bìa đỏ của gia đình để đi vay ngân hàng được 80 triệu đồng. Với số vốn ít ỏi, anh huy động các thành viên được gần 200 triệu đồng để đầu tư trồng rừng và trồng rau. Xã viên cũng được Trường Cao đẳng Nghề DTNT Bắc Kạn nay là Trường Cao đẳng Bắc Kạn tập huấn, đào tạo nghề trồng rau khoảng 6 tháng; HTX được huyện quan tâm sát sao, ưu đãi các chính sách. Nhưng khi bắt đầu phát cỏ trồng rừng được một thời gian ngắn thì gia súc của người dân vào phá làm hỏng hết 10ha rừng mới trồng (trị giá khoảng 70 triệu đồng tiền vốn). Thất bại về trồng rừng, không nản chí, anh Nam cùng các thành viên đầu tư hệ thống tưới tiêu để trồng rau với chi phí khoảng gần 100 triệu đồng. Nhận thấy không hiệu quả, các thành viên và lao động cứ bỏ dần, không còn mặn mà với nghề trồng rau của HTX, đầu ra tiêu thụ sản phẩm thị trường chưa có, HTX chỉ đi “cầu cứu” các nhà hàng mua giúp. Được hai ba năm duy trì cầm chừng, nhận thấy không còn lao động, hoạt động HTX ngày càng bị thua lỗ, anh Nam quyết định làm thủ tục xin giải thể HTX với sự tiếc nuối không phát triển được HTX và còn phải trả một số nợ ngân hàng không nhỏ.

Do nhận thức của các thành viên còn hạn chế, thiếu kế hoạch bài bản, nên nhiều HTX không những phải xin giải thể, mà một số cá nhân đang phải gồng gánh trả những món nợ hàng trăm triệu đồng khi mang sổ đỏ gia đình đi thế chấp, như: HTX NN&DV Hồng Hà (Quảng Khê) ngành nghề là trồng cây lấy củ, sản xuất, chế biến miến dong nhưng do chưa trồng được cây dong riềng và cũng không có nguyên liệu đầu vào nên HTX không hoạt động được dẫn tới giải thể; HTX Hồ Bản Chang, xã Đức Vân (Ngân Sơn) đầu tư nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi lợn, gà… nhưng thành viên không mặn mà kiên trì, đã rời khỏi địa phương đi lao động xuất khẩu nên HTX không đủ thành viên để hoạt động…

Ông Dương Văn Huấn- Chủ tịch Liên minh HTX cho biết: Nguyên nhân hợp tác xã không phát triển được là do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật HTX. Vai trò của HTX mờ nhạt, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao, chưa thiết thực nên thành viên thiếu tin tưởng vào HTX. Đặc biệt là nhiều HTX chưa chú trọng mở rộng kết nạp thành viên. Mối quan hệ giữa hội đồng quản trị và thành viên còn lỏng lẻo, thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống về kinh tế và tổ chức. HTX chưa khai thác hết năng lực nội tại của các thành viên cả về vốn và cơ sở vật chất. Phần lớn các HTX chưa thiết lập được mối quan hệ tín dụng thường xuyên với các ngân hàng thương mại, do không đủ điều kiện để thế chấp tài sản. Dẫn đến thiếu vốn đầu tư, 90% HTX không có trụ sở, năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu, sự liên kết giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế.

Thực trạng chung là phần lớn các HTX đều thiếu vốn, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Số HTX liên kết còn ít. Việc chủ động tìm thị trường, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Các HTX hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu hoạt động các dịch vụ “đầu vào”, số HTX làm dịch vụ “đầu ra” còn hạn chế. Ngoài ra, việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, chưa giúp cho người dân tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại. Nhiều HTX chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, một số vẫn hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên vừa làm vừa tháo gỡ từng “nút thắt”, đến năm 2020 số lượng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang có tiến triển tích cực, mô hình kinh tế tập thể này đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững./.  (Còn nữa)

Bích Ngọc

Xem thêm