Chợ Đồn chủ động phòng, chống thiên tai

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện Chợ Đồn đã và đang tăng cường công tác phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” ở tất cả các cấp, sẵn sàng ứng phó và xử trí kịp thời với mọi tình huống.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện Chợ Đồn đã và đang tăng cường công tác phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” ở tất cả các cấp, sẵn sàng ứng phó và xử trí kịp thời với mọi tình huống.

Năm 2019, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại trên địa bàn huyện. Cụ thể, có 03 người bị thương do sét đánh ở Xuân Lạc; 286 nhà ở và 04 điểm trường tại các xã Bình Trung, Ngọc Phái, Đồng Lạc, Xuân Lạc bị ảnh hưởng; hơn 5ha lúa và hơn 28ha cây màu bị thiệt hại trên 70%. Ngoài ra còn thiệt hại về gia cầm, vật nuôi, cây lâm nghiệp, công trình thủy lợi, đường giao thông… Chỉ riêng từ đầu năm 2020 đến nay đã có 259 ngôi nhà bị thiệt hại do mưa bão, 03 điểm trường, 01 trạm y tế bị ảnh hưởng, hơn 40ha hoa màu bị thiệt hại, gần 4ha rừng bị thiệt hại hoàn toàn… ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Huy động lực lượng tại chỗ lợp lại mái nhà bị tốc hoàn toàn do mưa lốc tại xã Xuân Lạc.
Huy động lực lượng tại chỗ sửa chữa nhà bị tốc mái hoàn toàn do mưa lốc tại xã Xuân Lạc.

Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, góp phần ổn định xã hội và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục hiệu quả”, UBND huyện Chợ Đồn ban hành phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Trong đó tập trung vào công tác phòng ngừa và xây dựng phương án ứng phó, xác định, dự kiến các tình huống có thể xảy ra.

Đối với công tác phòng ngừa, huyện tiếp tục tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Cấp ủy Đảng, chính quyền luôn luôn xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành. Tăng cường hệ thống thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và giáo dục luật phòng, chống thiên tai như tổ chức truyền thông tại khu vực cộng đồng có nguy cơ cao về thiên tai, phương pháp phòng tránh khi có thiên tai xảy ra; xây dựng pa nô, áp phích tuyên truyền và cảnh báo thiên tai; tiến hành rà soát, xác định khu vực nguy hiểm, có kế hoạch di dời dân cư ra khỏi vùng có rủi ro thiên tai cao nếu có.

Căn cứ tình hình thiên tai, mưa bão, thiệt hại trên địa bàn huyện những năm gần đây, diễn biến thời tiết bất lợi thường xảy ra hằng năm, Chợ Đồn đã dự kiến, nhận định một số tình huống có thể xảy ra trên địa bàn trong mùa mưa bão năm 2020 như: Lốc, mưa đá trên diện rộng có thể xảy ra trên phạm vi toàn huyện. Lũ, lũ quét. Ngập úng ở xã Nam Cường. Sạt lở đất các khu dân cư, các công trình xây dựng. Sạt lở đường giao thông. Sụt lún tại một số điểm thuộc địa bàn thị trấn Bằng Lũng, xã Ngọc Phái. Hạn hán xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất trên địa bàn toàn huyện. Nguy cơ vỡ đập nước tại đập thủy điện 314 và đập nước của công ty TNHH Ngọc Linh (xã Ngọc Phái) và xây dựng chi tiết, cụ thể các biện pháp ứng phó với từng tình huống.

Đối với các xã, thị trấn, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị kiện toàn Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của từng thành viên phụ trách tới từng thôn, tổ, bản. Xây dựng phương án đối phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Tiến hành kiểm tra các công trình giao thông, thủy lợi, hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ, dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, cắm biển báo nguy hiểm ở khu vực này để người dân có ý thức chủ động phòng tránh. Tuyên truyền người dân thường xuyên nắm bắt thông tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của chính quyền để chủ động ứng phó có hiệu quả.

Đồng chí Đặng Đình Phong- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Công tác phòng, chống thiên tai được huyện tiến hành một cách chủ động và thường xuyên; luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn theo quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản./.

Nông Vui

Xem thêm