Hợp tác xã Hương Ngàn liên kết sản xuất tinh dầu quýt

Trước đây quả quýt loại nhỏ thường bị loại bỏ do không bán được. Nay Hợp tác xã Hương Ngàn ở xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông tiên phong thu mua loại quýt bi này để sản xuất ra sản phẩm tinh dầu quýt, được thị trường đón nhận.

Trước đây quả quýt loại nhỏ thường bị loại bỏ do không bán được. Nay Hợp tác xã Hương Ngàn ở xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông tiên phong thu mua loại quýt bi này để sản xuất ra sản phẩm tinh dầu quýt, được thị trường đón nhận.

Chị Vi Thùy Dương, Giám đốc HTX Hương Ngàn đang kiểm tra sản phẩm tinh dầu quýt từ nồi chưng cất
Chị Vi Thùy Dương, Giám đốc HTX Hương Ngàn kiểm tra sản phẩm tinh dầu quýt từ nồi chưng cất.

Đầu vụ quýt này, chúng tôi đến HTX Hương Ngàn, vừa tới đầu xưởng mùi hương quýt lan tỏa ngạt ngào khắp nơi khiến cho những ai đi qua đều cảm thấy dễ chịu. Tại xưởng sản xuất, gần 20 lao động là người địa phương đang miệt mài bóc vỏ quýt, ai nấy đều rất phấn khởi vì công việc nhẹ nhàng, phù hợp với các lứa tuổi, từ người già cho đến thanh niên. Chị Lý Thị Trương, ở thôn Nà Lào vui vẻ: “Tôi mới đến xưởng bóc quýt được 2 ngày, mỗi ngày bóc được khoảng 15kg vỏ quýt tươi, tính ra cũng được 150.000 đồng/ngày, hơn nữa công việc chỉ tách vỏ quýt, rất nhẹ nhàng. Chỉ mong có thêm nhiều HTX làm ăn hiệu quả để người lao động nông thôn có thêm việc làm”.

Giám đốc HTX Hương Ngàn, chị Vi Thùy Dương cho biết: “Hiện nay bình quân mỗi ngày xưởng xử lý gần 3 tấn quýt. Đơn vị đã liên kết với HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Dương Phong để đảm bảo đầu vào nguồn nguyên liệu. Chúng tôi không quá khắt khe về tiêu chuẩn quả, chỉ cần quả không bị thối, hỏng là được thu mua theo giá thị trường, từ 3.000 - 5.000 đồng/kg”. Chị Dương đã tìm hiểu, học hỏi cách để quả quýt không phải bỏ đi bất cứ thứ gì. Vỏ quýt chiết xuất thành tinh dầu, ruột quýt thì để làm rượu quýt sau khi áp dụng quá trình cho lên men... như vậy lợi nhuận từ quýt sẽ cao hơn.

Để mở rộng sản xuất, mới đây HTX Hương Ngàn đã đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu quýt với công suất 2 tấn/ngày, đồng thời mở rộng thêm nhà xưởng để đảm bảo cho việc vận hành đạt hiệu quả. Với công suất như vậy, hiện tại HTX đã có đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu là Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Công ty TNHH Hữu Nghị Lạng Sơn, Công ty TNHH Thịnh Phát-Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Một số lao động tại xã Nguyên Phúc bóc vỏ quýt làm tinh dầu tại xưởng sản xuất của tại HTX Hương Ngàn
Nhiều phụ nữ ở xã Nguyên Phúc có việc làm thêm từ HTX Hương Ngàn.

HTX Hương Ngàn thành lập từ năm 2017 với 8 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng. Năm 2018, đơn vị mới bắt đầu phát triển vùng nguyên liệu, tiếp cận và sản xuất các sản phẩm là tinh dầu quýt, tinh dầu sả, tinh dầu quế… Để mở rộng thị trường, HTX đã tham gia nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển, đối tác đầu tư, mối tiêu thụ. HTX cũng đã có điểm bày bán sản phẩm tại thành phố Bắc Kạn. Trong thời gian này đơn vị sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất tinh dầu quýt để cung cấp cho các đơn vị đã ký kết hợp đồng, đồng thời tiếp tục vận động, phát triển vùng nguyên liệu sả để chế biến sau khi kết thúc mùa quýt. Từ năm 2018 đến nay HTX đã trồng được khoảng 7ha sả tại xã Nguyên Phúc và phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn), đồng thời sẽ có kế hoạch mở rộng diện tích sả vào năm tiếp theo.

Năm 2019, các sản phẩm của HTX Hương Ngàn đã được huyện Bạch Thông lựa chọn tham gia chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”. Đặc biệt tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 5 (2018-2019), HTX đã được giải Khuyến khích với giải pháp “Xây dựng chuỗi giá trị từ quả quýt”. Đây là động lực để HTX tiếp tục thực hiện các kế hoạch kinh doanh, khởi nghiệp tương lai, mở ra cơ hội đưa cá sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn vươn xa, đồng thời còn tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn./.

Thu Trang

Xem thêm