Thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã huy động mọi nguồn lực nhằm xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã huy động mọi nguồn lực nhằm xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tỉnh Bắc Kạn tạo thuận lợi cơ chế chính sách cho doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới).
Tỉnh Bắc Kạn tạo thuận lợi cơ chế chính sách cho doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới).

Bắc Kạn là một tỉnh trung tâm vùng Đông Bắc, nằm sâu trong nội địa, chỉ có một tuyến quốc lộ độc đạo là QL3, không có có hệ thống đường sắt, đường thủy nối với các tỉnh, địa hình đồi núi cao, suất đầu tư lớn nên khả năng thu hút các nhà đầu tư còn hạn chế, việc thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng hầu như không có do không có khả năng thu hồi vốn đầu tư. Nên trong thời gian qua, việc đầu tư kết cấu hạ tầng của tỉnh đều là nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ yếu là các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (dự án ODA).

Giai đoạn 2004-2018 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt trên 38.650 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước đạt trên 18.625 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ngoài nhà nước, vốn tín dụng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Riêng nguồn vốn từ chương trình phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo Nghị quyết số 37-NQ/TW là gần 1.120 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh năm 2018 đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với năm 2004. Từ các nguồn vốn đầu tư của nhà nước và xã hội, tỉnh đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu, mạng lưới giao thông toàn tỉnh phát triển được trên 3.000km đường, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho gần 20.000ha cây trồng và nuôi trồng thủy sản. Hệ thống điện cung cấp cho hơn 97% hộ dân trên địa bàn. Hạ tầng y tế giáo dục được đầu tư, các bệnh viện đáp ứng được hơn 940 giường bệnh, 104 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, 95 trường học đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, gần 100 xã, phường có trụ sở xã cơ bản đạt yêu cầu, hạ tầng đô thị được quan tâm, hệ thống xử lý rác thải, nước thải được đầu tư, 15 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới… Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, từ 103 xã thuộc diện nghèo năm 2004 xuống còn 60 xã đặc biệt khó khăn năm 2018, số hộ nghèo của tỉnh từ 50,87% năm 2005 xuống còn 21,88% năm 2018.

Nhằm đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, trong giai đoạn này tỉnh đã thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư theo các Luật Đầu tư, các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh luôn dành nhiều cơ chế ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp với các dự án phát triển nông-lâm nghiệp và du lịch… nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn. Trong giai đoạn 2004-2018, tỉnh thu hút được 155 dự án đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký trên 16.800 tỷ đồng, trong đó có 17 dự án đầu tư vào khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới), có 08 dự án đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng du lịch, thủy điện… Bên cạnh đó các dự án ODA của tỉnh tập trung chủ yếu vào phát triển kết cấu hạ tầng các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, y tế như: Dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông, lâm nghiệp; Dự án xây dựng, nâng cấp cải tạo đường giao thông nông thôn đến các xã miền núi đặc biệt khó khăn; Dự án xây dựng Trường Trung cấp y Bắc Kạn; Chương trình đô thị miền núi phía Bắc- Thành phố Bắc Kạn.

Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình hợp tác với thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trên cả nước, tỉnh Bắc Kạn đã thu hút được một số dự án đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng trên địa bàn như: Công trình Trường Mầm non thị trấn Chợ Mới; Trường Mầm non Cao Sơn (Bạch Thông); khu di tích lịch sử Nà Tu; thành lập Công ty Cổ phần Sài Gòn - Ba Bể đầu tư một số hạ tầng nghỉ dưỡng tại khu du lịch hồ Ba Bể…

Theo đồng chí Lăng Văn Hòa- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bên cạnh những thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư, Bắc Kạn là tỉnh nghèo vẫn còn nhiều khó khăn do mức thu ngân sách hiện nay đạt thấp nhất trong cả nước, nhưng khi quy định về hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương cho tỉnh là rất thấp không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp, GRDP bình quân đầu người của tỉnh mới đạt 52% GDP bình quân đầu người cả nước. Trong khi nhu cầu vay vốn của tỉnh lớn để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chính vì vậy rất khó khăn cho tỉnh để thu hút, vận động các chương trình, dự án ODA cho vay lại trong thời gian hiện nay.

Để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh, cần huy động mọi nguồn lực, nhân lực từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của người dân. Các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp để ổn định và phát triển nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Có chính sách thu hút hạ tầng trên địa bàn tỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư trong phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.

Bích Ngọc

Xem thêm