Đại Sảo cần khai thác thế mạnh từ cây quế

Được đưa vào trồng từ năm 1991, nhờ cây quế mà nhiều hộ ở Đại Sảo (Chợ Đồn) đã có của ăn, của để, xây dựng được nhà cửa khang trang. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa thực sự khai thác, phát huy được hết thế mạnh từ cây trồng này…

Được đưa vào trồng từ năm 1991, nhờ cây quế mà nhiều hộ ở Đại Sảo (Chợ Đồn) đã có của ăn, của để, xây dựng được nhà cửa khang trang. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa thực sự khai thác, phát huy được hết thế mạnh từ cây trồng này…

Diện tích trồng khá lớn

Theo thống kê của UBND xã Đại Sảo, hiện địa phương có khoảng 450ha quế, được trồng rải rác ở tất cả 8 thôn trong xã, nhưng tập trung nhiều nhất là 2 thôn Nà Ngà và Bản Sáo.

Gia đình Ông Bùi Văn Quang, thôn Nà Ngà hiện có 3ha quế, hàng năm ông vẫn ươm giống để mở rộng diện tích quế của gia đình
Gia đình ông Bùi Văn Quang, thôn Nà Ngà hiện có 3ha quế, hằng năm vẫn tổ chức ươm giống để mở rộng diện tích quế của gia đình.

Riêng năm 2015, toàn xã đã trồng được hơn 105ha quế, cấp 12 giấy phép khai thác quế với sản lượng hơn 38.300 tấn. Năm 2016, trồng được hơn 38ha, cấp phép khai thác được hơn 17.700 tấn. Năm 2017, trồng được 1,28ha quế tập trung và 15,5ha quế phân tán, cấp 6 giấy phép khai thác quế. Năm 2018, xã được giao kế hoạch trồng rừng là 60ha nhưng hiện mới thiết kế được 8ha và một số sẽ trồng sau khai thác.

Tại thôn Nà Ngà, đến nay 73/73 hộ trong thôn đều có diện tích quế, hộ ít thì gần 1ha, nhiều thì 4-6ha. Những hộ trồng nhiều quế ở Nà Ngà như ông Phạm Bá Lanh, Bùi Xuân Long, Nguyễn Văn Thạo, Bùi Văn Quang… Tổng diện tích quế của thôn hiện có khoảng 170ha.

Hiệu quả từ cây quế bà con nhân dân đều nhìn thấy rõ, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn, của để, xây dựng nhà cửa từ cây quế.

Ông Phạm Bá Lanh ở thôn Nà Ngà cho biết: Theo tính toán, 1ha quế sau 20 năm trồng, thu từ tỉa thưa, lá, cành, đến khai thác trắng sau trừ chi phí người dân thu về 1 tỷ đồng. Bản thân gia đình ông vừa bán một vườn quế 300 gốc với giá 300 triệu đồng.

Bỏ phí nguồn nguyên liệu

Dẫn chúng tôi đi thăm đồi quế, nhìn những cành, lá quế đã khô rải dưới gốc, Trưởng thôn Nà Ngà Bùi Đức Cảnh không khỏi nuối tiếc. Biết là bỏ cành, lá quế mục trong rừng cũng như là "bỏ tiền” trong rừng nhưng không còn cách nào khác.

Đại Sảo cần khai thác thế mạnh từ cây quế ảnh 2

Một diện tích trồng quế ở Đại Sảo.

Cây quế là cây vừa cho thu hoạch lâu dài, vừa cho thu hoạch hàng năm, khi cây phát triển bà con phải tỉa thưa. Khi đó cành, lá quế đều được tận dụng để chiết xuất tinh dầu. Trước đây trên địa bàn thôn cũng đã có hộ tự chiết xuất tinh dầu quế theo phương pháp thủ công nhưng nay đã nghỉ. Hiện nay bà con nơi đây đều phải bán cành, lá quế cho các tiểu thương vận chuyển đi nơi khác với giá từ 1.000đ đến 1.200đ/kg. Tuy nhiên, đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, nhiều lúc người dân gom lá, cành về không bán được để khô dẫn đến tình trạng bỏ phí, chưa tận dụng được hết tiềm năng từ cây quế.

Không chỉ có lá, cành quế, mà khi khai thác bóc vỏ, khai thác trắng người dân cũng đều phụ thuộc giá cả, thời gian thu mua của tư thương. Và đặc biệt, việc chỉ bán sản phẩm thô từ cây quế, người trồng quế tại Đại Sảo vẫn chưa khai thác được hết giá trị từ cây trồng này.

Cần gắn với chế biến và tiêu thụ

Cây quế là cây dược liệu quý với giá trị kinh tế cao, các chế phẩm từ cây quế như tinh dầu quế, vỏ quế khô hay bột quế nguyên chất đang được dùng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, trong y học cũng như trong cuộc sống thường nhật của con người.

Hiện nay ở Đại Sảo và các xã lân cận của huyện Chợ Đồn việc tiêu thụ quế phụ thuộc vào các tiểu thương. Lá, cành thu về cũng đợi tiểu thương đến thu mua; vỏ, cây sau khai thác cũng vậy. Để cây quế phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế thì rất cần có sự liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ, để nâng cao giá trị cây quế ở địa phương.

Đồng chí Hoàng Văn Thiện- Chủ tịch UBND xã Đại Sảo cho biết: Đảng ủy, chính quyền cũng đang xúc tiến để xây dựng tổ hợp tác, tiến tới thành lập hợp tác xã để sản xuất, chế biến tinh dầu quế trên địa bàn nhằm thu được hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, hiện địa phương đang gặp khó khăn do chưa có cá nhân, hay hộ dân nào dám đứng ra để tập hợp bà con thành lập hợp tác xã hay tổ hợp tác. Có hộ muốn tham gia nhưng vẫn còn tâm lý e ngại…

Tiềm năng để phát triển cây quế đối với địa phương là rất lớn, bởi diện tích rừng trồng của toàn xã có khoảng 1.000ha, chu kỳ sinh trưởng của cây quế dài, chất lượng tinh dầu quế ổn định, tốt từ 15 năm tuổi trở lên, nhưng bắt đầu từ năm thứ 3 người dân đã có thể thu hoạch lá, cành, tỉa thưa… Ngoài ra, các xã lân cận trong huyện Chợ Đồn hiện cũng đang có nhiều diện tích quế phát triển tốt. Trong khu vực chưa có một cơ sở sản xuất, chế biến các chế phẩm từ quế. Vì thế, để phát huy tiềm năng, thế mạnh từ cây quế, cấp ủy, chính quyền xã Đại Sảo cần tích cực tuyên truyền vận động, định hướng cho bà con nhân dân, để người dân không chỉ biết trồng mà còn phải biết làm giàu từ cây quế./.

Nông Vui - Hồng Tuyến

Xem thêm