Tập trung phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc.

 

Mới đây kết quả trả lời của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương đối với mẫu bệnh phẩm lấy từ gia súc mắc bệnh tại huyện Chợ Đồn là dương tính với bệnh Lở mồm long móng (LMLM), như vậy đây là huyện tiếp theo có dịch Lở mồm long móng trên đàn gia súc sau Pác Nặm, Ba Bể nâng tổng số gia súc mắc bệnh lên 118 con.

Dịch LMLM bùng phát tại huyện Pác Nặm từ giữa tháng 8 tại các thôn Phja Đeng, Khuổi Ún, Bản Đính, Pác Liền, Bản Nà xã Nghiên Loan và Phiêng Puốc Cao Tân. Đây là những thôn có nghề chăn nuôi phát triển đặc biệt là khu chợ tập trung số lượng lớn trâu bò giao thương ở xã Nghiên Loan. Tại huyện Ba Bể dịch xuất hiện ở thôn Nà Khao và Thiêng Điểm xã Phúc Lộc, còn ở huyện Chợ Đồn dịch LMLM xuất hiện tại thôn Bản Lác xã Quảng Bạch, Bản Ỏm, Phiêng Liềng, Cốc Thử xã Ngọc Phái.

Theo số liệu thống kê của Chi cục thú y tỉnh trong tổng số 118 con gia súc mắc bệnh được phát hiện thì huyện Pác Nặm có 62 con, Chợ Đồn 40 con và Ba Bể 16 con,  số đã chữa khỏi triệu chứng là 78 con, đang theo dõi 34 con, số chết đã tiêu huỷ là 6 con. Tính đến thời điểm 3 ngày gần đây từ 09-12/9 trên địa bàn dịch LMLM đã không phát sinh thêm.

Ngay sau khi dịch LMLM xảy ra Chi cục thú y đã chỉ đạo Trạm Thú y các huyện có dịch hướng dẫn cơ sở tổ chức triển khai thực hiện các bước hướng dẫn bàn con cách ly con ốm để điều trị. Biện pháp hữu hiệu nhất đó là lấy nước chua, chát đẻ rửa vết loét kết hợp tiêm kháng sinh chống viêm nhiễm, thuốc trợ sức trợ lực, tích cực chăm sóc nuôi dưỡng. Triển khai phun thuốc khử trùng tiêu độc 01-02 lần/ ngày sau khi vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, khoanh vùng ổ dịch tuyên truyền cho bà con không vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng có dịch, không được  bán chạy, giết mổ gia súc ốm chết. Tất cả các xã có dịch đều có cán bộ thú y trực tiếp xuống theo dõi diễn biến tình hình dịch tễ của bệnh LMLM. Hiện nay mặc dù dịch đã tạm lắng nhưng công tác theo dõi dịch rất chặt chẽ, bám sát cơ sở có thông tin từng ngày.

Dịch LMML lần này có một điểm hết sức phức tạp đó là có sự lây lan từ trâu bò sang cả lợn, dê. Huyện Chợ Đồn có 05 con lợn và 05 con dê cũng mắc LMLM. Đây là bệnh do vi rút gây lên do vậy bài thuốc dân gian chữa bằng nước chua, chát để sát khuẩn vết loét được bà con áp dụng hiệu quả rất tốt chính vì vậy số gia súc chết mới chỉ có 06 con, đa số đã điều trị khỏi hoặc đang được theo dõi.

Dịch LMLM bùng phát lần này có sự chậm chễ về thông tin, mặc dù dịch đã xảy ra mấy ngày nhưng bà con không báo ngay cho UBND các xã và cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời do đó dịch tiếp tục lây lan sang các thôn khác. Dịch lây lan sang các thôn khác nhanh là do khu vực chăn thả của các thôn giáp nhau hoặc do chủ gia súc đưa gia súc đi qua các thôn có dịch. Qua thăm nắm tình hình tại một số hộ có trâu bò phát dịch đầu tiên  thì được biết họ mua số trâu bò này tại xã Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng hoặc tại chợ buôn bán trâu bò tại Pác Nặm từ tháng 6/2013 trở lại đây. Nguồn tin trong dân cũng cho biết có một số thương lái buôn trâu bò từ Pác Nặm qua Cao Bằng để bán sang Trung Quốc nhưng khi lên đến cửa khẩu thì Trung Quốc ngừng không mua vì trâu bò của Cao Bằng đang có dịch, sau đó các thương lái lại đem trâu bò quay trở về Pác Nặm bán lại cho các hộ chăn nuôi ở đây. Do đi qua các vùng dịch của Cao Bằng lên rất có khả năng dịch lây lan từ đây.

Một thực tế cho thấy trong số 118 con mắc bệnh LMLM thì 100% không được tiêm phòng, điều đó chứng tỏ người dân vẫn thờ ơ với việc bảo vệ đàn gia súc của gia đình. Tuy nhiên các hộ dân đã xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh trên trâu bò đa số đã khỏi bệnh. Hiện nay toàn tỉnh đã tiêm được 2.544 liều vắc xin LMLM, cơ quan thú y tiếp tục thực hiện tiêm phòng đợt 2 vụ thu đông.

Phát triển đàn gia súc phải gắn với chăm sóc bảo vệ thì mới đạt hiệu quả kinh tế, nếu gia súc không được tiêm phòng thì mức độ rủi ro sẽ rất cao, bằng chứng là năm 2012 dịch LMLM đã khiến 5.193 con trâu bò mắc bệnh trong đó 507 con chết tiêu huỷ gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Hiện nay giá mỗi con trâu bò rất cao gấp 2-3 lần so với năm 2011, chính vì vậy người dân cần nâng cao nhận thức về công tác phòng chống dịch.

P.Thảo

Xem thêm