Bắc Kạn với việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chế độ ưu đãi đối với người nghèo, nhằm kéo dần khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội, trong đó có chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí. Tại tỉnh Bắc Kạn, hoạt động mang tính nhân văn này được người dân hưởng ứng, thể hiện qua tổng số vụ việc thực hiện ngày càng tăng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chế độ ưu đãi đối với người nghèo, nhằm kéo dần khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội, trong đó có chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí. Tại tỉnh Bắc Kạn, hoạt động mang tính nhân văn này được người dân hưởng ứng, thể hiện qua tổng số vụ việc thực hiện ngày càng tăng.

Bắc Kạn có 17.227 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 25,18% dân số, người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80%, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trình độ nhận thức pháp luật nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, có nơi còn tồn tại những phong tục tập quán lạc hậu như tảo hôn, chung sống với nhau không đăng ký kết hôn...

Từ năm 2006, Chính phủ có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn 2. Tính đến tháng 10 năm 2009 toàn tỉnh Bắc Kạn có 21 xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và 59 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2. Như vậy, số lượng người nghèo thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí chiếm tỷ lệ khá cao so với dân số của tỉnh.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý xác định trợ giúp pháp lý cho người nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo. Do đó, tập trung triển khai cơ sở, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người nghèo. Hình thức trợ giúp đa dạng như: Tư vấn pháp luật, hoà giải, kiến nghị, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp...

Kể từ khi Trung tâm trợ giúp pháp lý đi vào hoạt động đến nay, hơn 3.000 người nghèo được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí thông qua các hình thức. Các vướng mắc pháp luật thường gặp trong các lĩnh vực: Đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động việc làm, chế độ, chính sách... Cử luật sư tham gia bào chữa tại phiên toà 89 đối tượng thuộc diện nghèo. Bên cạnh đó, Trung tâm kiến nghị đối với các văn bản đã có hiệu lực pháp luật, hoà giải các tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Trong đó phải kể đến các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở, đến tận người dân để tuyên truyền phổ biến pháp luật và thực hiện các yêu cầu trợ giúp pháp lý khi người dân có yêu cầu. Tính từ năm 2006 đến năm 2009, Trung tâm đã tiến hành 280 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã nghèo, xã thuộc diện chương trình 135 giai đoạn 2, đã có 1.214 lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Như vậy, có thể thấy nhu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí của người nghèo rất lớn. Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bắc Kạn đã cố gắng đáp ứng phần nào nhu cầu của người nghèo. Tuy nhiên cũng mới chỉ thực hiện được khoảng 1/3 trong tổng số người nghèo có nhu cầu. Và hiện nay hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả phục vụ đối tượng.

Đó là mặc dù đã có Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhưng hiện nay không có nguồn để tuyển dụng, đặc biệt nguồn cán bộ để bổ nhiệm trợ giúp viên. Có thể nói đa số cán bộ trợ giúp pháp lý mới tham gia công tác trợ giúp pháp lý nên còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động trợ giúp pháp lý. Đối với các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cơ sở có nơi chưa thực sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động trợ giúp pháp lý, nên đôi khi Trung tâm Trợ giúp pháp lý vẫn bị động, nhất là trong việc tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động.

Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất, tuy phải đi công tác lưu động thường xuyên nhưng đến nay Trung tâm chưa được trang bị ô tô để phục vụ công tác. Do đó làm giảm số lượng các đợt trợ giúp pháp lý lưu động của Trung tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa. Ngân sách địa phương không cấp kinh phí đặc thù cho Trung tâm nên rất eo hẹp trong các hoạt động như phối hợp liên ngành về tố tụng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên và thành viên Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, đại diện bào chữa...

Các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã chủ động sinh hoạt theo thường kỳ, nhưng chủ yếu phổ biến các văn bản pháp luật, còn việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cộng đồng dân cư chiếm tỷ lệ nhỏ. Ngoài ra còn phải kể đến một bộ phận đối tượng thuộc diện có nhu cầu trợ giúp pháp lý, nhưng ngại va chạm hoặc không biết bày tỏ nguyện vọng yêu cầu, số lượng hồ sơ vụ việc đề nghị tư vấn pháp luật còn khiêm tốn.

Hoàng Thu Chung

Trung tâm TGPL NN - Sở Tư pháp Bắc Kạn

Xem thêm