Chuyển đối số trong nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Kạn

Kỳ cuối: Cần thêm những "bà đỡ"

Kỳ cuối: Cần thêm những “bà đỡ”

Dù đã có kết quả bước đầu nêu trên nhưng nhìn chung chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Kạn còn sơ khai, nhỏ lẻ và tự phát, cần thêm những “bà đỡ” là cơ chế, chính sách, nguồn lực của cấp ngành chức năng, cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp.

Chuyển đổi số sẽ góp phần đánh thức tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp của Bắc Kạn.
Chuyển đổi số sẽ góp phần đánh thức tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp của Bắc Kạn.

Còn mới mẻ, tự phát

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, chuyển đổi số quốc gia lĩnh vực nông nghiệp xác định sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

So với nội dung của Quyết định 749/QĐ-TTg và nhìn qua những địa phương có trình độ sản xuất nông nghiệp cao, đang thực hiện chuyển đổi số như Lâm Đồng, Hà Nội, Đồng Tháp… thì việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Kạn còn rất mới mẻ, khiêm tốn, tự phát, hơn nữa việc chuyển đổi này mới chỉ thực hiện chủ yếu ở khâu bán hàng. Số lượng nông hộ, HTX hay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có ý thức hoặc đang thực hiện chuyển đổi số ở tỉnh ta rất ít.

Cần thêm “bà đỡ”

Đích hướng đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn là người dân. Có nghĩa, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số. Nhưng nếu để nông dân tự “bơi” hay phải “ném đá dò đường” trong chuyển đổi số thì rất khó thành công mà cần bệ đỡ là cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự đồng hành của các cấp, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp. Với diện tích tự nhiên 4.859 km², chủ yếu là đất lâm, nông nghiệp, dân số sinh sống vùng nông thôn chiếm gần 80%... tạo nhiều dư địa cho chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Kạn. Một trong bốn chương trình trọng tâm được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là "Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường; mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới". Nếu việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn có tiến triển tích cực sẽ góp phần thực hiện thành công chương trình trọng tâm này, nâng cao đời sống cho người dân và tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới của Bắc Kạn.

Thực tế thời gian qua Bắc Kạn đã có những chính sách để hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển và bước đầu thực hiện chuyển đổi số. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung thực hiện các chính sách giúp thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, hình thành thương hiệu đặc trưng của sản phẩm nông sản Bắc Kạn gắn với chế biến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. 56 sản phẩm của Bắc Kạn được đăng bán trên các sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso…; 9 sản phẩm được ký kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị Big C, Vinmart và một số cửa hàng tiện ích trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ở nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. Đặc biệt, từ tháng 8/2020, thực hiện lộ trình chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, xã Vi Hương (Bạch Thông) là một trong tám xã trong cả nước được lựa chọn thí điểm mô hình chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh… Tuy nhiên, để chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thành công cần hơn những quyết sách mang tính bài bản, căn cơ từ cấp, ngành chức năng.

Anh Lường Đình Hùng- thành viên sáng lập HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (Chợ Mới) cho biết: Hiện nay, HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố đã có cơ sở vật chất ban đầu ứng dụng công nghệ công cao, để chuyển đổi số thành công cần nguồn lực hỗ trợ của cấp trên thông qua các mô hình, dự án cụ thể.

Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX Nhung Lũy (Ba Bể) bày tỏ: “Với những HTX có nhiều mặt hàng nông sản đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng ở một số siêu thị, cửa hàng lớn trong cả nước thì vấn đề minh bạch quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm là rất quan trọng. Vì thế, chúng tôi mong muốn được ngành chức năng tập huấn quản lý phần mềm và hỗ trợ đăng ký mã vạch QR ở mức độ chuyên sâu để tạo thêm sự tin tưởng cho khách hàng”.

Anh Nông Văn Thành, thôn Nà Nạc, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) cũng mong muốn một ngày nào đó khu nhà lưới trồng rau màu của mình sẽ được điều khiển tự động và nhiều mặt hàng nông sản được giới thiệu, quảng bá và bán trên các trang thương mại điện tử uy tín của cả nước. Anh kiến nghị cấp trên có sự hỗ trợ kịp thời, cụ thể để có thể nâng cao trình độ canh tác dựa vào khoa học, công nghệ hiện đại.

Chia sẻ về thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Kạn, đồng chí Lưu Văn Quảng- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Với số lượng hội viên đông đảo cùng các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở, chúng tôi sẽ chủ động, tích cực tham gia thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; tập huấn về tin học cho hội viên, hướng dẫn hội viên sử dụng máy tính, khai thác thông tin trên internet, sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm, hướng dẫn hội viên xây dựng mẫu mã, nhãn hiệu hàng hóa; kết nối, tạo điều kiện cho nông dân tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm; thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp để liên kết xây dựng chuỗi giá trị và xây dựng các mô hình sản xuất bền vững…

Lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn khẳng định: Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Kạn là nội dung còn mới, nhiều khó khăn nhưng đây là xu hướng tất yếu. Do vậy, ngành sẽ sớm tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số cho Bắc Kạn.

Một số sở, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao cũng có bước đi đầu góp phần thực hiện chuyển đổi số ở Bắc Kạn. Chuyển đổi số là quá trình mới mẻ và cũng đầy khó khăn, thách thức, nhưng “không đi không thể đến đích”. Nếu chủ động thực hiện chuyển đổi số sớm, nhanh, sẽ nắm bắt thời cơ, lợi thế để tạo xung lực mới cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm