Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Kạn

Kỳ 1: Những nông dân tiên phong

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đối với tỉnh miền núi thuần nông như Bắc Kạn, việc chuyển đổi số càng có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững cho địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta mới ở bước khởi đầu, rất cần sự hỗ trợ của cấp, ngành chức năng.

Kỳ 1: Những nông dân tiên phong

Chiếc smartphone đa năng

Những năm gần đây, điện thoại thông minh được kết nối internet dần phổ biến ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư (Na Rì). Kim Lư là một trong hai xã đầu tiên của Bắc Kạn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Nếu như đa số người dân trong thôn Đồng Tâm sử dụng điện thoại thông minh để "lướt" Facebook, Zalo hay xem tin tức thì chị Phùng Thị Lê lại sử dụng chiếc smartphone để học hỏi kỹ thuật và bán nông sản. Lúc đầu, một số người dân không rõ nói chị “nghiện” điện thoại nhưng khi biết chị dùng để phục vụ sản xuất, kinh doanh thì mới biết chị đã đi trước cả bản. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2018, trong một lần được nghe kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật trồng rau màu trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao trên kênh VTC16, chị Lê thấy mê liền. Sau đó, gia đình chị lắp wifi để tiện vào mạng internet xem các hướng dẫn kỹ thuật trên Youtube. Cũng kể từ thời điểm này, chị quyết định chuyển đổi 500m2 đất trồng lúa, ngô của gia đình sang trồng dưa chuột với nhiều giống khác nhau, nhất là trồng dưa chuột trái vụ. Việc mua giống, xử lý đất, làm luống, chăm sóc, xử lý đậu quả, thu hoạch, bảo quản nông sản... chị đều liên hệ nhờ giúp đỡ về kỹ thuật từ chính các đơn vị cung ứng giống thông qua gọi điện thoại hoặc gọi video trực tuyến.

Việc sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và phủ bạt mặt luống giúp tiết giảm chi phí trong trồng rau màu trong nhà lưới của anh Nông Văn Thành, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn.
Công nghệ tưới nhỏ giọt và phủ bạt mặt luống giúp tiết giảm chi phí trong trồng rau màu trong nhà lưới của anh Nông Văn Thành, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn).

Với việc chuyển đổi cây trồng, cơ cấu lại mùa vụ và sự hỗ trợ kỹ thuật từ xa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Lê. Vào chính vụ, mỗi ngày xuất bán khoảng 150kg dưa chuột với giá 10.000 đồng/kg, còn khi trái vụ cũng có khoảng vài chục kg cung cấp ra thị trường giá bán lên tới 20.000 đồng/kg, giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Không dừng lại ở việc tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, chị còn sử dụng điện thoại thông minh để giới thiệu, bán hàng trên mạng xã hội Facebook và Zalo.

Chị Phùng Thị Lê chia sẻ: "Học hỏi kỹ thuật trực tuyến có thể thực hiện ở bất cứ chỗ nào, thời điểm nào miễn là có điện thoại kết nối internet. Đây là những ưu điểm mà thời gian qua bản thân tôi lựa chọn áp dụng để thay đổi phương thức sản xuất, trao đổi hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình".

Tại xã Hiệp Lực (Ngân Sơn), nhiều người biết đến mô hình trồng rau màu trong nhà lưới của anh Nông Văn Thành, thôn Nà Nạc. Nhiều năm trồng rau màu anh Thành rút ra kinh nghiệm nếu sản xuất theo phương thức truyền thống thì hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí gặp nhiều rủi ro vì thiên tai, thời tiết, dịch bệnh. Vì vậy, 3 năm trước anh Thành quyết định “chơi lớn” dồn toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm để xây dựng nhà lưới với mong muốn bớt phụ thuộc vào thiên nhiên khi canh tác, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không dễ như anh nghĩ mà có nhiều khó khăn, phức tạp và cả những thất bại. Nhưng càng thất bại lại càng khiến anh Thành quyết tâm, càng "hăng" tìm hiểu khoa học kỹ thuật trên mạng hay sự trợ giúp trực tuyến từ những người bạn, những chuyên gia thông qua chiếc điện thoại của mình.

Khi làm chủ được những kỹ thuật mới từ khâu làm đất, chọn giá thể, chọn giống, điều chỉnh nhiệt độ nhà lưới, tưới nhỏ giọt, điều trị sâu bệnh, chăm sóc cây trồng, thu hoạch... cũng là thời điểm sự mạo hiểm của anh Thành thu được trái ngọt. Rau củ được trồng trong nhà lưới giảm sâu bệnh, giảm thiệt hại khi thời tiết khắc nghiệt, giảm công làm cỏ, nhờ đó năng suất và chất lượng nông sản cao hơn. Để thuận lợi và tạo niềm tin cho khách hàng, anh Thành chụp ảnh quy trình sản xuất và các nông sản của mình đăng trên trang Facebook, Zalo cá nhân hoặc cho xem qua phương thức gọi video trực tuyến, dán tem QR truy xuất nguồn gốc nông sản. Với cách làm này, các mặt hàng nông sản của anh Thành như: Bắp cải, su hào, cà chua, dưa lưới được quảng bá rộng rãi và dần có chỗ đứng tại các siêu thị, cửa hàng lớn tại một số tỉnh khu vực miền Bắc. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhờ có sự điều chỉnh kịp thời về sản xuất nên doanh thu năm 2020 của anh Thành vẫn đạt hơn 300 triệu đồng, tăng khoảng 100 triệu đồng so với năm 2019.

Những hợp tác xã thức thời

Để phát triển nông nghiệp, nhiều hợp tác xã (HTX) ở Bắc Kạn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, coi đây là hướng đi cần thiết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, điển hình là HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (xã Như Cố, huyện Chợ Mới). HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố xây dựng mô hình mới theo hướng áp dụng công nghệ cao trên diện tích 2.000m2, như: Nhà lưới, áp dụng công nghệ phủ bạt trên bề mặt luống, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động…, nhờ đó nhiệt độ, độ ẩm trong nhà lưới được kiểm soát góp phần giảm nhân công, tăng năng suất lao động, hạn chế sâu bệnh. Ngoài ra, HTX không dùng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ để nâng cao chất lượng rau, quả, củ. Khi đã có sản phẩm, HTX cũng rất chú trọng ứng dụng công nghệ để xây dựng nhãn hiệu và tiếp thị sản phẩm. Các mặt hàng nông sản được chào bán trên “chợ online” qua mạng xã hội hay website riêng góp phần tiếp cận nhanh, rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.

Là người năng động, nắm bắt được xu hướng và lợi thế của thương mại điện tử nên ngay những năm đầu thành lập, Giám đốc HTX Nhung Lũy (Ba Bể) Đinh Tuyết Nhung đã biết vận dụng sức mạnh của mạng xã hội để giới thiệu, bán hàng trực tuyến. Với sự hỗ trợ từ một số ngành, đơn vị của tỉnh, HTX Nhung Lũy tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào thương mại điện tử, có thể kể đến: Voso.vn, Lazada, Shopee, website htxnhungluy.com, hay các hội nhóm về nông sản khác. Riêng website htxnhungluy.com được HTX Nhung Lũy thuê thiết kế riêng với chi phí gần 10 triệu đồng và phí duy trì 500.000 đồng/năm. Để có chỗ đứng vững chắc tại các cửa hàng, siêu thị lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ngoài chất lượng thì vấn đề nguồn gốc sản phẩm rất quan trọng. Vì thế, HTX Nhung Lũy đã xuống tận Hà Nội đăng ký xin cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Năm 2020, doanh thu của HTX đạt 9,1 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2019.

Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX Nhung Lũy chia sẻ: "Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực nông sản an toàn nhưng HTX luôn chú trọng đến công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các mặt hàng. Sản phẩm của HTX bán qua kênh thương mại điện tử còn thấp nhưng chúng tôi vẫn xác định đây là kênh quảng bá nông sản hiệu quả và là xu thế của tương lai. Trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, HTX Nhung Lũy xác định sẽ hòa mình để cùng phát triển".

Không chỉ có những HTX nêu trên mà nhiều HTX khác cũng đã chuyển biến theo xu thế của thời đại. Điều này giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nông hộ, HTX, giúp thay đổi tư duy quản lý, sản xuất, kinh doanh và đặt “những viên gạch” đầu tiên cho bước chuyển đổi số đầy mới mẻ, sơ khai trong nông nghiệp, nông thôn của Bắc Kạn. (còn nữa)

Xuân Nghiệp
 

Xem thêm