Tăng cường bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy nhà, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong các khu dân cư, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tăng cường bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy ảnh 1

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh kiểm tra dụng cụ chữa cháy tại cơ quan công sở, khu dân cư, các điểm bầu cử.

Theo thống kê của ngành chức năng, 04 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 1.120 vụ cháy, gây thiệt hai ước tính khoảng 239 tỷ đồng. Tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn, cùng thời điểm cũng đã xảy ra một số vụ cháy, loại hình chủ yếu là nhà dân. Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho tỉnh về các phương án phòng cháy, chữa cháy hiệu quả, đồng thời chỉ đạo trong toàn lực lượng, mà nòng cốt là Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại các khu dân cư, hộ gia đình và đặc biệt là phục vụ tốt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trên địa bàn tỉnh hiện nay các khu dân cư tập trung nhiều nhà ở, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh chủ yếu ở thành phố Bắc Kạn, trung tâm huyện và các xã. Công tác PCCC tại các khu dân cư, hộ gia đình đã được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Kết quả, đa phần các khu dân cư, hộ gia đình đều được tuyên truyền, huấn luyện các kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH, ý thức của người dân về chấp hành các quy định được nâng lên.

Tại các khu dân cư, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh đa phần được kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC, nhìn chung tại các địa điểm được kiểm tra, lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở đã được thành lập và nắm bắt được kiến thức cơ bản về PCCC; đa số các điều kiện kỹ thuật về an toàn PCCC được duy trì; phương tiện chữa cháy ban đầu được trang bị và chủ yếu là các bình chữa cháy xách tay và một số phương tiện chữa cháy thô sơ chỉ đủ khả năng xử lý đám cháy nhỏ, mới phát sinh; phương án chữa cháy, phương án CNCH cơ bản được xây dựng và bước đầu triển khai thực tập các tình huống tại một số khu vực, địa điểm…

Tuy nhiên, qua công tác quản lý thực tế tại các địa phương cho thấy, vẫn còn những hạn chế, bất cập là những nguyên nhân có thể dẫn đến mất an toàn gây ra các sự cố cháy nổ, thiệt hại về người và tài sản. Những vấn đề đó tập trung chủ yếu như: Đầu tư trang thiết bị PCCC chưa đáp ứng các yêu cầu thực tế phục vụ chữa cháy, việc tự kiểm tra, giám sát  một số chưa được thực hiện thường xuyên, kiến thức về PCCC ở một số bộ phận dân cư còn hạn chế; tại nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, một số hộ kinh doanh bày bán hàng hóa chưa gọn gàng, chưa dành lối đi cho việc thoát nạn, nhà bố trí có một lối thoát nạn; hệ thống điện gia đình khi thiết kế chưa tính toán các phụ tải phát sinh nên dễ xảy ra quá tải gây chập, cháy…

Tăng cường bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy ảnh 2

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh đảm bảo công tác an toàn PCCC.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Trìu- Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Để chủ động phòng ngừa tình trạng cháy nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót tại các khu dân cư, nhất là các khu dân cư được bố trí các địa điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nội dung về công tác quản lý nhà nước đối với PCCC, trong đó nội dung nòng cốt là công tác rà soát, kiểm tra, hướng dẫn và tuyên tuyền về công tác PCCC.

Đối với khu dân cư, tăng cường công tác tuyên truyền, tự kiểm tra, thành lập và duy trì đội dân phòng, chuẩn bị đầy đủ các phương án chữa cháy và CNCH các tình huống và đề xuất trang bị các phương tiện PCCC để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra… Với các hộ gia đình là nhà ở, nhà ở kết hợp hộ kinh doanh, hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan. Cần lắp thiết bị bảo vệ như: Cầu chì, rơ-le, áp-tô-mát… cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn nê-ông. Không bố trí hệ thống điện sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.

Không bày hàng hóa và vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Không bố trí nơi đun nấu tại cửa hàng kinh doanh và không để hàng hóa, các vật dụng dễ cháy gần bếp ăn. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy. Khi xảy ra cháy, nổ phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh và báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH của tỉnh để có các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản.../.

PV

Xem thêm