Chú trọng phát triển du lịch

Là tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch, như cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đặc sắc... nhưng vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Vì thế, những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã từng bước đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia đồi Pù Cọ, thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn). Ảnh: Nông Vui
Di tích lịch sử cấp Quốc gia đồi Pù Cọ, thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn). Ảnh: Nông Vui.

Từng bước khai thác tiềm năng du lịch

Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, trong đó nổi bật là Vườn Quốc gia Ba Bể với trung tâm là hồ Ba Bể, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới (tổ chức tại Mỹ năm 1995) công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ; năm 2011 được công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) và là danh lam thắng cảnh được xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt” vào năm 2012 theo Quyết định 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN (2004).

Toàn bộ khu vực này có tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hấp dẫn với những hệ thống sông, hồ, hang động phong phú. Tiềm năng du lịch của tỉnh còn nằm ở nền văn hóa đa dạng, phong phú (phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao). Những làn điệu then, đàn tính, hát sli, lượn… mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào vùng cao.

Cùng với đó là những di tích lịch sử mang dấu ấn một thời về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong kháng chiến. Các điểm di tích lịch sử văn hóa của Bắc Kạn đã kết nối với các điểm du lịch lân cận như ATK Định Hóa (Thái Nguyên), khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng)…

Để khai thác tiềm năng, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, đề án, gần đây nhất là Quyết định 2100/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 1430/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2019 - 2025.

Đến nay, đã có nhiều dự án thuộc lĩnh vực du lịch được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể: Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể của Công ty cổ phần Sài Gòn - Ba Bể; dự án đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn Sơn Nữ của Công ty TNHH Thái Sơn Bắc Kạn; dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ba Bể Ecologde của Công ty TNHH MTV Lê Hùng; dự án đầu tư khai thác tuyến, điểm du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể và khu du lịch sinh thái Nature and Fresh của Công ty TNHH thương mại và du lịch GREENCANAL Việt Nam; dự án điểm du lịch sinh thái Thác Bạc - đèo Áng Toòng của Công ty cổ phần Sông Đà Bắc Kạn… Trong đó, một số dự án đã đưa vào khai thác.

Đối với Khu du lịch Ba Bể, đã cấp phép hoạt động bến thủy nội địa (tạm thời) cho 06 bến (gồm các bến: Bờ Bắc, bờ Nam, Buốc Lốm, Kéo Sliu, Pác Ngòi và Đầu Đẳng). Công bố tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Năng - hồ Ba Bể có chiều dài 29,2km. Ngoài ra, còn có dự án đường nối khu du lịch Ba Bể với khu du lịch Na Hang (tỉnh Tuyên Quang); dự án trung tâm đón tiếp Buốc Lốm - Khang Ninh; dự án xây dựng bến thuyền, nhà chờ điểm đón khách du lịch Tà Kèn; nâng cấp, cải tạo tuyến đường 258 (đường vào Khu du lịch Ba Bể). Hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, khách du lịch.

Với sự nỗ lực chung, lĩnh vực du lịch của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, như: Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân giai đoạn 2004 - 2018 là 13%/năm. Tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2010 - 2018 tăng bình quân 13%/năm. Năm 2019, tổng số khách du lịch đến với tỉnh là hơn 528.000 lượt (khách nội địa gần 510.000 lượt, khách quốc tế gần 19.000 lượt), doanh thu du lịch đạt gần 350 tỷ đồng - so với năm 2018 tăng cả về lượng khách lẫn doanh thu.

Trải nghiệm bơi thuyền Kayak trên hồ Ba Bể.
Trải nghiệm bơi thuyền Kayak trên hồ Ba Bể.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy du lịch

Tuy đã đạt được nhiều kết quả, nhưng nhìn chung lĩnh vực du lịch của tỉnh vẫn còn những khó khăn do nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển tại các khu, điểm du lịch còn hạn chế; chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, hạ tầng chưa cao; nguồn nhân lực yếu cả về số lượng và chất lượng; sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng…

Tỉnh đã xác định mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân; trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 thu hút 32.000 lượt khách quốc tế và 1.000.000 lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.960 tỷ đồng; có 3.800 buồng lưu trú; tạo việc làm cho 13.800 lao động (trong đó 4.600 lao động trực tiếp). Để đạt được mục tiêu đề ra, theo đồng chí Hà Văn Trường- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với những giải pháp mang tính tổng thể thì cần tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay đó là đường giao thông từ Hà Nội về hồ Ba Bể. Đồng thời, có giải pháp khuyến khích nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào du lịch Bắc Kạn nói chung và Khu du lịch Ba Bể nói riêng để tạo chuỗi sản phẩm du lịch đồng bộ, chất lượng cao.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, kế hoạch triển khai Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2019 - 2025 đã xác định 05 nhóm giải pháp, gồm: Về đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch; về cơ chế, chính sách và nguồn lực phát triển du lịch; về phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch; về đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch; về xây dựng môi trường du lịch.

Chú trọng ban hành các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân; ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Về phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch, sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa nhân lực nghề du lịch. Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý các doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn đào tạo nhân lực du lịch. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch cộng đồng. Có chính sách thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại các địa bàn trọng điểm và khu vực có tiềm năng phát triển. Bố trí nguồn lực cho hoạt động xúc tiến du lịch bảo đảm linh hoạt, liên kết chặt chẽ với các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh trong phát triển du lịch; nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hỗ trợ hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia kinh doanh du lịch; hướng dẫn người dân đầu tư, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn./.

Hoàng Vũ