Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên

Sau một năm thực hiện Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản" giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay công tác này đã đạt được một số kết quả tích cực.

Sau một năm thực hiện Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản" giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay công tác này đã đạt được một số kết quả tích cực.

Giờ ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học xã Bằng Vân (Ngân Sơn)
Giờ ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học xã Bằng Vân (Ngân Sơn).

Qua khảo sát tình trạng dinh dưỡng và các yếu tố liên quan ở học sinh 15-18 tuổi thuộc một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh của ngành Giáo dục tỉnh cho thấy: Học sinh toàn tỉnh được khám sức khoẻ theo quy định; tỷ lệ trẻ được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự tăng trưởng bằng biểu đồ đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi và tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tiếp tục giảm. Toàn tỉnh hiện có 252/346 cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp có tổ chức bữa ăn bán trú, nội trú cho trẻ em, học sinh, sinh viên, chiếm 72,83%. Các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp có bếp ăn bán trú, nội trú trong trường học đã đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để triển khai thực hiện tốt Đề án, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức và năng lực của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên và phụ huynh về dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh không lây nhiễm. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể đã xây dựng thực đơn bữa ăn đảm bảo khẩu phần ăn và bảo đảm đủ dinh dưỡng theo tháp dinh dưỡng phù hợp với mỗi đối tượng học sinh. Tăng cường cho trẻ suy dinh dưỡng ăn bổ sung từ nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh và từ các nguồn tài trợ, viện trợ khác. Theo dõi sự phát triển của trẻ mầm non bằng biểu đồ phát triển theo quy định gồm: Biểu đồ cân nặng, biểu đồ chiều cao và biểu đồ theo dõi tỷ lệ chiều cao cân nặng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, từ đó có sự chăm sóc phù hợp. Ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tốt để tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ các bậc phụ huynh học sinh cho trẻ tiêm chủng phòng bệnh, uống Vitamin A bổ sung theo định kỳ đầy đủ.

Cùng với việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh không lây nhiễm cũng được đặc biệt quan tâm. Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục về phát triển thể chất cho học sinh dưới nhiều hình thức, tích hợp nhằm tạo cho học sinh hứng thú tham gia.

Năm học 2019 - 2020, 100%  học sinh toàn tỉnh được khám sức khoẻ theo quy định; tỷ lệ trẻ được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự tăng trưởng bằng biểu đồ đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 3,54% (giảm 5,03% so với đầu năm học; giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 4,42% (giảm 5,58% so với đầu năm học; giảm 0,88% so với cùng kỳ năm trước); tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì chiếm 0,16% (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước).

Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức 07 lớp tập huấn phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho 708 người là cán bộ lãnh đạo, nhân viên làm việc tại bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 06 lớp tập huấn công tác y tế trường học và công tác giáo dục bảo vệ môi trường cho gần 700 lượt người gồm lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác y tế trường, các phòng GD&ĐT, nhân viên y tế trường học của tất cả các trường mầm non, phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố, Trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục hướng nghiệp tỉnh, Trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh. Thông qua đó, tuyên truyền sâu rộng vấn đề bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; công tác vệ sinh môi trường trường học; các bệnh tật thường gặp ở học sinh và cách phòng tránh; công tác tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe; công tác dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, do cơ sở vật chất của một số trường còn thiếu, chưa đồng bộ, nên khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục nói chung và công tác giáo dục thể chất nói riêng. Bên cạnh đó, một số trường (tiểu học và trung học cơ sở) thiếu giáo viên thể dục, nhiều trường phải dạy kiêm nhiệm, vì thế ảnh hưởng đến chất lượng triển khai công tác này trong trường học.

Vì vậy, một trong những giải pháp cần chú trọng, ưu tiên thực hiện trong thời gian tới đó là: Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của Đề án theo kế hoạch và sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan. Tham mưu cho tỉnh dành các nguồn lực triển khai các nội dung của Đề án phù hợp với điều kiện của địa phương; thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo đảm dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh nhằm đạt hiệu quả cao nhất./.

Việt Bắc

Xem thêm