Ghi ở điểm trường Khuổi Trà

Điểm trường Tiểu học Khuổi Trà là một trong những điểm trường vùng cao, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đường đi lại vất vả nhưng các em luôn nỗ lực vượt khó đến trường để học tập. 

Điểm trường Tiểu học Khuổi Trà là một trong những điểm trường vùng cao, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đường đi lại vất vả nhưng các em luôn nỗ lực vượt khó đến trường để học tập. 

Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm điểm trường Khuổi Trà, thuộc Trường Tiểu học xã Cổ Linh (Pác Nặm), cách trung tâm xã khoảng 10km. Điểm trường hiện có 83 học sinh với đủ các lớp từ lớp 1 đến lớp 5, phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông. 

Giờ học toán của các em học sinh lớp 3 điểm trường Khuổi Trà, xã Cổ Linh
Giờ học Toán của học sinh lớp 3 điểm trường Khuổi Trà, xã Cổ Linh.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Hoàng Văn Lực (quê ở xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể) cho biết: Tôi công tác tại Trường Tiểu học xã Cổ Linh được 16 năm, trong đó có 5 năm dạy học tại điểm trường Khuổi Trà. Đều đặn mỗi chiều thứ 6 hằng tuần tôi về nhà ở Mỹ Phương, đến chiều chủ nhật lại lên Khuổi Trà. Dù đi lại xa xôi, khó khăn nhưng tôi chưa từng xin chuyển công tác về gần trường chính hay về gần nhà. Lý do đơn giản là thấy các em ở đây còn nhiều khó khăn và thiệt thòi quá. Bản thân muốn đóng góp sức lực của mình để truyền tải kiến thức cho học sinh vùng cao, mong các em lớn lên trở thành người có ích cho địa phương và xã hội.

Cô giáo Dương Thị Thu Hiền cũng từ huyện Ba Bể lên Khuổi Trà giảng dạy trong hai năm học vừa qua. Theo cô Hiền, thôn Khuổi Trà vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc chăm lo cho học tập của các em từ phía gia đình còn nhiều hạn chế. Nhiều em đến lớp mặc chưa đủ ấm, ăn chưa đủ no, một số em phải đi bộ từ sáng sớm đến điểm trường hơn 5km, sáng dậy phải chuẩn bị sẵn đồ ăn cho buổi trưa. Khó khăn rất nhiều nhưng các em luôn đi học đúng giờ, rất ít khi nghỉ học, trừ những lúc ốm đau hoặc gia đình có việc. Trong học tập, các em vẫn còn nhút nhát, chậm hiểu bài nên các thầy cô vất vả hơn, nhiều bài học phải sử dụng hình ảnh trực quan, diễn tả bằng những hành động cụ thể để các em dễ hiểu và nhớ sâu hơn.

Tại khu nhà “công vụ” là chỗ ở hằng ngày của 7 thầy, cô giáo, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn, thiếu thốn của các thầy cô. Căn nhà gỗ rộng chừng 40m2 được ngăn thành 03 phòng, mái nhà lợp prô – ximăng, nhiều tấm đã thủng khi có mưa sẽ bị dột nên các thầy cô phải căng bạt phía bên dưới. Xung quanh vách nhà một phần được đóng bằng ván gỗ, một phần là phên tre, nứa do phụ huynh làm từ trước năm học. Để hạn chế mưa nắng hắt vào, hai bên đầu hồi được che chắn bằng các tấm bìa carton tận dụng từ thùng mì tôm, thùng giấy…

Thầy giáo Thạch Văn Hoàng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cổ Linh cho biết: Năm học 2020 – 2021 toàn trường có 499 học sinh, có 09 điểm trường trên địa bàn xã. Được sự quan tâm của Nhà nước, các điểm trường cơ bản đã được xây dựng kiên cố, cơ sở vật chất cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu dạy học. Những năm gần đây, nhà trường không có học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi hằng năm đều đạt kế hoạch đề ra. Tuy vậy, để đảm bảo theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm bổ sung kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất của trường chính tổ chức thành trường bán trú, nhằm tạo điều kiện cho học sinh từ lớp 3 ở các điểm trường có thể về trường chính học tập, nhất là các môn Tin học, Tiếng Anh cần được các thầy cô hướng dẫn nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở địa phương./.

Đình Văn

Xem thêm