Điều chỉnh linh hoạt nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa lớp 1

Sau hơn 02 tháng triển khai, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 bước đầu được đánh giá phù hợp với nhu cầu học và giảng dạy, cách đánh giá học sinh, song cũng bộc lộ một số hạn chế. Hiện nay, các nhà trường đang khắc phục những khó khăn, chủ động điều chỉnh linh hoạt nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa, nhằm áp dụng hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Sau hơn 02 tháng triển khai, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 bước đầu được đánh giá phù hợp với nhu cầu học và giảng dạy, cách đánh giá học sinh, song cũng bộc lộ một số hạn chế. Hiện nay, các nhà trường đang khắc phục những khó khăn, chủ động điều chỉnh linh hoạt nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa, nhằm áp dụng hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Cô và trò Trường Tiểu học Bộ Bố trong một giờ học.
Cô và trò Trường Tiểu học Bộ Bố trong một giờ học.

Cô giáo Triệu Thị Tuyển, Trường Tiểu học Bộc Bố (Pác Nặm) được giao nhiệm vụ giảng dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 chia sẻ: Sau hơn 02 tháng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho thấy, bộ sách giáo khoa nhà trường sử dụng có hình ảnh đẹp, rõ ràng, học sinh tiếp cận nhanh, hiện đọc, viết khá tốt. Tuy nhiên, lượng kiến thức trong một bài học còn nặng so với học sinh lớp 1.

Năm học 2020 - 2021, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh lựa chọn 3/5 bộ sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, đó là:

Môn Toán: Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống;

Môn Tiếng Việt: Bộ sách Cùng học để phát triển năng lực;

Các môn Mĩ thuật, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm: Bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục;

Các môn Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Tự nhiên & Xã hội: Bộ sách Cùng học để phát triển năng lực;

Môn Tiếng Anh 1 (tự chọn): Tiếng Anh1 i-Learn Smart Start (NXBĐHSP TPHCM) và Tiếng Anh 1 - Phonics-smart (NXB ĐHQG TPHCM).

Cụ thể, đối với môn Tiếng Việt, phần âm chỉ dạy trong 05 tuần, sang tuần thứ 06, học sinh đã học bài 05 câu, nên phần đọc tương đối dài. Đối với môn Toán, ở tuần thứ hai, các em chưa biết đọc, nhưng phần bài tập đã yêu cầu học sinh làm bài tập trắc nghiệm. Sự tiếp thu của học sinh không đồng đều ở điểm trường chính và điểm trường lẻ. Một số hình ảnh trong sách giáo khoa đẹp, nhưng chưa gần gũi với học sinh miền núi. Để linh hoạt trong giảng dạy, các cô giáo lớp 1 Trường Tiểu học Bộc Bố đưa ra giải pháp đối với bài âm dài, có thể kéo dài sang tiết sau; đối với những âm dễ thì dạy với thời lượng ngắn. Tuy nhiên phải bảo đảm yêu cầu kiến thức cho học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Cô giáo Kim Anh, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học và THCS Đồng Thắng (Chợ Đồn) cho biết: Sau hơn hai tháng triển khai Chương trình GDPT 2018, việc dạy học cơ bản thuận lợi; học sinh bắt nhịp nhanh. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nội dung môn Tiếng Việt, mỗi bài có nhiều âm, vần; một số bài có liên quan đến hoạt động trò chơi của môn Toán như "Xúc sắc" nhưng trong bộ đồ dùng của học sinh không có, nên khó khăn khi hướng dẫn học sinh chơi. Do đó, tôi và các giáo viên giảng dạy lớp 1 trong trường đã vận dụng linh hoạt trong sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu khác để hoàn thành các hoạt động của bài học một cách hiệu quả nhất.

Năm học 2020 - 2021 toàn tỉnh có trên 6.000 học sinh lớp 1 thuộc 116 trường Tiểu học và Tiểu học - THCS, với 381 lớp, trong đó có 108 lớp học ghép. Năm học này, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thống nhất lựa chọn các đầu sách khác nhau thuộc 3/5 bộ sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 nói chung và triển khai dạy học lớp 1 năm học 2020 - 2021 nói riêng, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh cơ bản kịp thời, đúng tinh thần đổi mới. Các bản sách giáo khoa đã chọn có kênh chữ, kênh hình, khổ sách, trọng lượng phù hợp với đối tượng học sinh lớp 1; kết cấu các bài học hợp  lý, nội dung kiến thức có chiều sâu đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục và văn hóa, thẩm mỹ và đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, nguồn học liệu trên kho học liệu số của sách giáo khoa môn Tiếng Việt chưa thật sự phong phú. Một số trường còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn. Việc sắp xếp thời khóa biểu đối với các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đã kín, nên chưa có tiết học tăng thêm cho các môn Toán và Tiếng Việt. Một số cán bộ quản lý, giáo viên chậm đổi mới, còn lệ thuộc vào sách giáo khoa, coi sách giáo khoa như “pháp lệnh”; chưa mạnh dạn điều chỉnh nội dung sách giáo khoa; chưa thực sự thuần thục vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất học sinh. Cùng với đó, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nên cần có thời gian đầu để giao tiếp bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, một số học sinh quên các chữ trong bảng chữ cái, nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc học vần mới. Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn hạn chế, nhất là ở các điểm trường; học sinh ở điểm trường vẫn phải học lớp ghép, nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Đồng chí Ma Thế Quyên- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Trong thời gian tới,  Sở tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt về trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa từ lớp 1 năm học 2020 - 2021. Đồng thời, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình kế hoạch. Các nhà trường cần chủ động, linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đối với các bài dài, cần xây dựng giãn số tiết để đảm bảo mức độ kiến thức phù hợp với học sinh, song vẫn đảm bảo tiến độ chương trình học tập vào cuối học kỳ 1, cuối năm học. Giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong sử dụng nội dung sách giáo khoa, đồ dùng cho việc dạy và học phù hợp với học sinh từng trường, nhằm đáp ứng hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới./.

Việt Bắc

Xem thêm