Cô giáo người Dao tâm huyết với nghề

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, ở vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng ước mơ trở thành cô giáo của cô bé người Dao Triệu Mùi Viển đã trở thành hiện thực. Với lòng nhiệt huyết và tình yêu thương dành cho trẻ, những năm qua cô giáo Triệu Mùi Viển (hiện là giáo viên Trường Mầm non Bộc Bố, huyện Pác Nặm) là tấm gương vượt khó để đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, ở vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng ước mơ trở thành cô giáo của cô bé người Dao Triệu Mùi Viển đã trở thành hiện thực. Với lòng nhiệt huyết và tình yêu thương dành cho trẻ, những năm qua cô giáo Triệu Mùi Viển (hiện là giáo viên Trường Mầm non Bộc Bố, huyện Pác Nặm) là tấm gương vượt khó để đồng nghiệp và học sinh noi theo.

Một giờ học chủ điểm của cô giáo Triệu Mùi Viển tại điểm trường Nà Lẩy (Bộc Bố)
Một giờ học chủ điểm của cô giáo Triệu Mùi Viển tại điểm trường Nà Lẩy (Bộc Bố).

Hành trình trở thành cô giáo

Cô giáo Triệu Mùi Viển tâm sự: "Tôi sinh ra ở thôn vùng cao Khắp Khính (nay là thôn Phya Mạ), xã Công Bằng (Pác Nặm). Do không có điểm trường gần nhà, nên từ khi còn rất nhỏ, tôi không được đi học, phải cùng bố mẹ leo đồi, lội suối lên núi làm nương, làm rẫy. Mãi khi điểm trường Nà Mặn, xã Công Bằng được mở, cũng là lúc tôi lên 7 tuổi mới được đi học. Ngày đầu tiên đi học, nhìn thấy cô giáo đứng trên bục giảng dạy chữ, dạy hát cho học sinh  khiến tôi rất thích. Sau buổi học đó, tôi mơ ước sau này lớn lên sẽ làm cô giáo - là người đưa cái chữ đến cho học sinh vùng cao".

Suy nghĩ là vậy, nhưng con đường đến trường của Triệu Mùi Viển còn nhiều gian nan. Sau khi học xong chương trình tiểu học tại điểm trường gần nhà, để theo học chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông, cô phải đi bộ cách nhà hơn 12km. Để đến trường phải đi bộ lội suối, leo đồi rất vất vả, đôi lúc cũng làm cho cô nản lòng, muốn bỏ học. Suốt bao năm nuôi con ăn học, bố, mẹ cô luôn sống trong cảnh thiếu thốn, nhiều người trong thôn nói: “Nếu cho các con đi học mà nghèo thế này thì cho ở nhà lấy chồng để phụ giúp bố mẹ”. Nhưng được sự động viên của bố mẹ, cùng sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, Triệu Mùi Viển tiếp tục đi học và thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo. Cô thi đỗ vào Trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Tây.

Tâm huyết với nghề

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Mầm non, cô giáo Viển tình nguyện dạy hợp đồng tại nhiều điểm trường vùng cao trên địa bàn huyện Pác Nặm như: Điểm trường Ngảm Váng, Trường Mầm non Nhạn Môn, rồi điểm trường Nặm Sai, Trường Mầm non Công Bằng; điểm trường Nặm Nhả, Trường Mầm non Xuân La; điểm trường Khâu Vai, Trường Mầm non Bộc Bố. Các điểm trường này không chỉ cách xa trung tâm xã, với thời gian đi bộ hàng tiếng đồng hồ, học sinh tại đây đều là người dân tộc thiểu số (Dao, Mông), vì vậy việc sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Việt) của trẻ rất hạn chế và học sinh rất rụt rè. Do đó, ngày đầu đi dạy, cô Viển phải sử dụng những câu, từ tiếng Mông cơ bản để giao tiếp với học sinh và phụ huynh học sinh. Để rèn luyện cho trẻ kỹ năng nghe, hiểu tiếng Việt trong sinh hoạt hằng ngày, cô Viển luôn quan tâm, tiếp xúc với trẻ; tổ chức các hoạt động để tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được giao tiếp với bạn, với cô giáo bằng tiếng Việt. Trong lớp học, cô Viển trang trí nhiều tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi bắt mắt có chú thích bằng các chữ cái tiếng Việt, để thu hút, gợi trí tò mò của trẻ khi đến lớp, tích cực tổ chức cho trẻ tham gia các hội thi, trò chơi dân gian có tính tương tác cao giữa các thành viên; dạy trẻ những bài ca dao, đồng dao, bài hát… để giúp trẻ tiếp thu tiếng Việt hiệu quả nhất.

Cô Viển dạy hát cho  học sinh.
Cô giáo Viển dạy hát cho  học sinh.

Không chỉ khó khăn trong giao tiếp, học sinh dân tộc Mông và Dao nơi đây đều thuộc diện hộ nghèo, các em thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc đến đồ dùng học tập. Là người con của dân tộc Dao, cô Viển thấu hiểu những khó khăn của học sinh trong việc đi học, khi bố, mẹ, người thân chưa quan tâm đến việc học của các con em mình. Cùng với đó là những hủ tục lạc hậu ngăn cản, do hệ lụy của việc tảo hôn, dẫn đến sinh con ra nhưng không làm được giấy khai sinh, khi con đến tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo thì không có hồ sơ nhập học. Những lần như vậy cô Viển lại nỗ lực tuyên truyền, vận động đến các gia đình về lợi ích của việc cho trẻ đến trường. Nói được ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Mông, Dao, nên cô thuận lợi rất nhiều trong việc trao đổi với phụ huynh và giao tiếp với học sinh.

Cô giáoTriệu Mùi Viển cho biết thêm: Tuy khó khăn vất vả, nhưng tôi luôn tâm huyết và gắn bó với nghề mình đã chọn. Khó nói được hết những khó khăn, vất vả của người giáo viên ở vùng cao nhưng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để xứng đáng với lòng tin yêu của học sinh và phụ huynh, sự tin tưởng của đồng nghiệp và lãnh đạo cấp trên.

Cô giáo Trung Thị Mến- Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Bộc Bố cho biết: Cô giáo Viển luôn chăm lo cho học sinh như chính những đứa con của mình. Cô luôn nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh tiếp thu bài, hiểu bài nhanh, có hiệu quả nhất. Với sự tận tâm trong công việc, trong những năm qua cô Viển đã đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, như đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện; được UBND huyện Pác Nặm tặng Bằng khen và được Hiệu trưởng Trường Mầm non Bộc Bố nhận xét là một giáo viên tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn, yêu nghề, mến trẻ, là gương điển hình cho tinh thần vượt khó để đồng nghiệp và học sinh noi theo./.

Việt Bắc

Xem thêm