Đón "Trsinh mềnh" cùng đồng bào Dao Đỏ

Những tháng đầu năm khi hương xuân vẫn còn vấn vương trên từng nhành cây, ngọn cỏ, đồng bào Dao Đỏ ở Phiêng Lằm lại rộn ràng cùng nhau đón Tết “Trsinh mềnh”…

Tết Thanh minh theo tiếng Dao còn gọi là “Trsinh mềnh”. Khác một số dân tộc thường tảo mộ ngày mùng 3/3 âm lịch, đồng bào Dao đi tảo mộ đúng vào ngày Thanh minh hằng năm. Theo lời mời của ông Triệu Tài Phượng, chúng tôi đến với thôn Phiêng Lằm, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn đón Tết Thanh minh. Thanh minh năm nay vào đúng dịp cuối tuần, vậy nên nhà ông Phượng đã rộn rã tiếng nói cười từ ngày hôm trước. Mọi người tất bật cùng nhau giã bánh giầy, gói bánh lá ngải, làm xôi đỗ “nho nhe”… không khí ấm áp lan tỏa khắp mọi nơi.

Những ngày gần Tết Thanh minh, các gia đình trong thôn đều đón thầy về làm “Búa trsinh mềnh” (cúng Thanh minh). Nhà ông Phượng cũng vậy, từ hôm trước, gia đình đã chuẩn bị một con gà luộc, năm chiếc bánh giầy không nhân và tiền giấy bản để làm đồ lễ. Giờ tốt đến, thầy cúng đặt đồ lễ trước bàn thờ và mời tổ tiên về ăn Tết với gia chủ. Theo ông Phượng, đây là nghi lễ không thể thiếu trong Tết Thanh minh. Bởi lẽ, đồng bào Dao quan niệm rằng, từ ngàn xưa do trời đất hạn hán, lũ lụt và giao tranh liên miên, đời này qua đời khác bị phiêu bạt đi khắp mọi nơi. Ngày nay, con cháu ở cách xa phần mộ không thể đến tận nơi thăm nom được, nên chỉ có thể gọi tổ tiên đến ăn Tết sớm và gửi tiền để tổ tiên nhờ người sửa sang lại nhà cửa ở thế giới bên kia. Đồng thời, thầy cúng cũng thay mặt gia đình cầu mong con cháu được yên lành, một năm gặp nhiều may mắn... Ngay khi buổi lễ kết thúc, ông Phượng cùng một số người trong họ đã đi tảo mộ ở những nơi cách xa nhà.

Thanh minh năm nay trời mưa rào ẩm ướt, tuy vậy cũng không làm khó đồng bào Dao Đỏ nơi đây. Từ sớm tinh mơ, con cháu trong họ đã có mặt tại “nhà gốc”, trong đó có người đi làm xa, có người đang học đại học ở Hà Nội cũng trở về. Ai ai cũng tấp nập ra vào chuẩn bị gà luộc, xôi đồ, bánh giầy… để mang đi tảo mộ sớm. Những người khéo tay hơn sẽ làm tiền âm từ giấy bản, cắt các loại hoa hình tròn rồi phối hợp thành chùm sao cho thật đẹp mắt; quần áo giấy cũng được phân rõ, đàn ông có màu xanh, vàng và phụ nữ là màu đỏ, tím.

Bánh giầy là lễ vật không thể thiếu trong phần lễ đi tảo mộ của đồng bào Dao đỏ.
Bánh giầy là lễ vật không thể thiếu trong phần lễ đi tảo mộ của đồng bào Dao Đỏ.

Trời hửng sáng, mọi người trùm áo mưa, tay mang theo đồ cúng và dụng cụ: Cuốc, xẻng, dao… nối nhau lên đường. Khi ra đến mộ ông cha, con cháu sẽ mang gà luộc, thịt lợn, cá, bánh giầy, bánh kẹo và tiền giấy đặt trước mỗi ngôi mộ. Các lễ vật này đều được con cháu tự tay làm để bày tỏ tấm lòng với người đã khuất. Công tác chuẩn bị đã xong, một người đại diện sẽ bắt đầu khấn bằng tiếng Dao rằng: Hôm nay là ngày Thanh minh, tất cả con cháu mang đồ đến để mời tổ tiên ăn uống. Đồng thời, xin phép được sửa sang lại nhà cửa của ông bà, mong tổ tiên có linh thiêng thì phù hộ cho mùa màng bội thu, học hành đỗ đạt... Sau đó, mọi người cùng nhau phát quang xung quanh, người xới cỏ, người đắp mộ.

Mặt trời lên cao, mưa cũng đã tạnh, những giọt mồ hôi lấm tấm xuất hiện trên những gương mặt đỏ hồng. Sau khi dọn dẹp, sửa sang mộ phần xong xuôi, con cháu trong nhà dâng hương, đốt tiền giấy và tạ ơn người đã khuất phù hộ cho dòng họ bình an, khỏe mạnh. Trước mỗi ngôi mộ, người Dao thường trồng hoa loa kèn đỏ, cứ đến dịp Thanh minh, những bông hoa sẽ nở bung như một lời nhắc nhở con cháu đã đến ngày thể hiện lòng hiếu kính với người đã khuất.

Cứ như vậy, cả họ sẽ chia nhau ra thành từng nhóm nhỏ để đi tảo mộ ở các địa điểm khác nhau. Sau khi xong việc, con cháu sẽ tập trung đông đủ và cùng ăn bữa cơm đoàn tụ. Tại nhà ông Triệu Tài Phượng họp mặt đủ 5 mâm, tiếng nói cười rộn ràng, những lời hỏi han ríu rít, không gian ấm áp của một gia đình lớn dường như lan tỏa trong tim mỗi người…

Chia sẻ nhiều hơn về Tết Thanh minh, ông Phượng cho biết: Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng mọi người đều không quên đi công lao của những thế hệ đi trước. Vì vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, công việc bận đến mấy thì đến Tết “trsinh mềnh” con cháu đều dành thời gian để tìm về nguồn gốc của mình; đó là sự hiếu nghĩa với ông bà và tổ tiên. Đây cũng là dịp để những người có chung dòng máu sum họp, thắt chặt thêm tình đoàn kết và không quên đi nguồn cội./.

Bích Phượng
 

Xem thêm