Chợ Đồn: Có 42 điểm di tích lịch sử đã kiểm kê

Huyện Chợ Đồn hiện có 6 khu di tích cấp quốc gia, 14 di tích lịch sử cấp tỉnh. Thực hiện công tác kiểm kê theo chỉ đạo UBND tỉnh, thời gian qua huyện Chợ Đồn đã tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng, phân loại, lập danh sách các điểm di tích hiện có trên địa bàn.

Đồi Nà Pậu, di tích lịch sử cấp Quốc gia
Di tích lịch sử cấp quốc gia đồi Nà Pậu, thôn Bản Thít, xã Lương Bằng nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1951.

Theo đó, toàn huyện đã lập danh sách, kiểm kê 42 di tích lịch sử nhưng chưa được công nhận. Trên cơ sở danh sách đã kiểm kê, huyện tiếp tục đề nghị ngành chức năng tỉnh thẩm định, công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo quy định. Riêng năm 2020 có 2 điểm là Xưởng Quân giới, ở thôn Hợp Tiến, (xã Bản Thi) nơi Xưởng Quân giới đóng và làm việc từ năm 1947 - 1949; nhà ông Triệu Văn Kiên, thôn Nà Chang (xã Đồng Thắng) nơi Bác Hồ nghỉ chân trên đường đi công tác năm 1948 đã được công nhận là khu di tích lịch sử cấp tỉnh.

Việc kiểm kê, công nhận khu di tích sẽ nhằm phục vụ cho việc hoạch định chính sách quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn. Ngoài ra, huyện Chợ Đồn đẩy mạnh việc sưu tầm loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhờ vậy đến nay huyện đã có nghệ thuật trang trí văn hoa trên trang phục người Dao Đỏ và chữ nôm người Dao ở thôn Bản Cuôn II (xã Ngọc Phái), hát Pá dung của người Dao thôn Bản Ca (xã Bình Trung) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Hiện, huyện tiếp tục sưu tầm một số loại hình nghệ thuật như: Nghệ thuật hát then, đàn tính (Then cổ), nghệ thuật hát đám cưới “thơ lẩu”, nghệ thuật hát lượn cọi, lượn phong slư, lượn nàng ới, lượn khảm hải, lượt slương…/.

Thu Trang

Xem thêm