Tết Đắp nọi- nét đẹp trong văn hóa Tày

Những ngày cuối tháng Giêng khi không khí Tết cổ truyền vẫn vương trên gác bếp, đồng bào dân tộc Tày lại chuẩn bị gói bánh chưng đón Tết Đắp nọi- một nét đẹp văn hóa vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Tết Đắp nọi năm nay, gia đình bà Liễu Thị Tiềm (thành phố Bắc Kạn) sẽ tiếp tục gọi bánh chưng lại
Gia đình bà Liễu Thị Tiềm (thành phố Bắc Kạn) gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết Đắp nọi.

Đến gặp Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa vào những ngày cuối tháng Giêng, trong căn phòng nhỏ đơn sơ tại thị trấn Phủ Thông, ông hào hứng chia sẻ với chúng tôi về những phong tục văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày. Trong đó, ông không quên nhắc đến Tết Đắp nọi (dịch nghĩa là “Ăn Tết lại” ) vào ngày 30/01 âm lịch hằng năm.

Theo truyền thống, Tết cổ truyền là dịp để nghỉ ngơi sau một năm vất vả. Với đồng bào dân tộc Tày Bắc Kạn cũng vậy, Tết là dịp để đoàn tụ, thăm hỏi họ hàng và hòa vào không khí tưng bừng, rộn rã của các lễ hội… Theo lời của Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa, thì thời xưa công việc nhà nông bận rộn, vất vả nên dịp Tết mới có thời gian để đi chơi, thăm hỏi người thân, họ hàng; do chưa có phương tiện đi lại thuận tiện nên hầu hết là đi bộ, mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy, tháng Giêng thường được coi là tháng để đi chơi, đi từ nhà này đến nhà khác, bản này đến bản khác và đến ngày cuối cùng của tháng 01 âm lịch sẽ phải có mặt ở nhà để “Ăn Tết lại”.

Tết Đắp nọi được làm đơn giản hơn nhiều so với Tết Nguyên đán. Các bà, các mẹ cũng sẽ gói bánh chưng gù, làm bánh giầy và tất bật chuẩn bị cho bữa cơm đoàn viên. Từ sáng sớm 30/01 âm lịch, chủ nhà sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên. Trên mâm cỗ thường có: Một con gà luộc, một miếng thịt lợn luộc, đây tượng trưng cho những con vật nuôi quen thuộc của nhà nông; ngoài ra không thể thiếu bánh chưng, bánh giầy và xôi đồ. Khi mâm cúng được bầy xong, chủ nhà sẽ thắp hương mời các cụ, đồng thời cảm tạ ông bà tổ tiên đã phù hộ cho đầu năm bình an, mong cả năm sẽ tiếp tục chăm chỉ, mưa thuận gió hòa để thóc lúa đầy nhà.

Nhớ về những ngày Tết Đắp nọi đã xa, Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa mỉm cười: Đối với hầu hết các gia đình, Tết Đắp nọi là dịp để cả nhà đoàn tụ và lấy tinh thần, quyết tâm bước vào năm mới sẽ chăm chỉ làm ăn, giúp đỡ nhau thực hiện những mục tiêu, kế hoạch mới. Dịp này, các gia đình sẽ làm nhiều bánh chưng để khi đi nương rẫy có lương thực mang theo. Nhưng riêng với nhà tôi thì lại khác, chỉ có hai bà cháu nên không làm to, nhưng tôi cũng vẫn mong đợi, sau khi bà hạ mâm cúng, ăn xong bữa cơm của ngày cuối tháng Giêng, tinh thần làm việc được nâng cao, lúc ấy như ngầm hiểu rằng thời gian được nghỉ ngơi, đi chơi kết thúc, từ bây giờ sẽ tập trung làm việc.

Ngày nay, cuộc sống phát triển nên Tết Đắp nọi không còn được làm to như trước, tuy nhiên đối với một số đồng bào dân tộc Tày trong tỉnh thì thói quen gói bánh chưng “Ăn Tết lại” vẫn được lưu giữ. Đưa tay cuộn bó lạt cho vào nồi, bà Hứa Thị Châm, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn cho biết: Tôi là người Tày ở huyện Bạch Thông, ngày nhỏ tôi vẫn thường được ăn Tết Đắp nọi. Chính vì vậy, vẫn hay gói bánh chưng lại vào cuối tháng Giêng. Các con cháu cũng ủng hộ, Tết âm lịch có nhiều bánh kẹo, thịt mỡ nên bánh chưng dễ ngấy, bây giờ mới thấy ngon. Đây cũng là dịp để gia đình đoàn tụ, sum họp.

Có thể nói, Tết Đắp nọi là nét đẹp trong văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày ở tỉnh ta. Đây không chỉ là dịp để tập trung con cháu hướng về cội nguồn mà còn là lời nhắc nhở mọi người cùng phấn đấu lao động, sản xuất trong mùa vụ mới, trẻ em phải ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, rèn luyện để thành người có ích cho xã hội./.

Bích Phượng
 

Xem thêm