Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ tặng thơ Thanh niên xung phong (28/3/1951 – 28/3/2021)

Tháng 3 về lại Nà Tu

Cách đây 70 năm, trên đường đi công tác, ngày 28/3/1951, Bác Hồ đã ghé thăm đơn vị Thanh niên xung phong 312 đang làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù - nay thuộc thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông). Tại đây, Người đã tặng đơn vị Thanh niên xung phong 312 bốn câu thơ:

"Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Ðào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên".

Lễ kết nạp đảng viên của Đảng ủy Bộ Nông Nghiệp và PTNT được tổ chức tại khu di tích lịch sử TNXP Nà Tu.
Lễ kết nạp đảng viên của Đảng ủy Bộ Nông Nghiệp và PTNT được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông).

Theo lời thuyết minh viên của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Kạn tại Khu di tích lịch sử Nà Tu: "Đây là nơi đóng quân của đội thanh niên xung phong 312 làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù- cây cầu trọng yếu trên tuyến Quốc lộ 3 để đảm bảo giao thông được thông suốt, phục vụ tiền tuyến. Là nơi mà ngày 28/3/1951 diễn ra một sự kiện đặc biệt giữa Bác Hồ và thanh niên xung phong".

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến cần huy động hàng chục nghìn nhân công trẻ, khỏe để phục vụ kháng chiến. Lực lượng này bao gồm những thanh niên niên tình nguyện, dân công mở đường, bảo vệ cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược vì mục tiêu “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”. Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ thị cho Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam thành lập Đội Thanh niên xung phong để phục vụ chiến trường.

Ngày 15/7/1950, Đội Thanh niên xung phong được thành lập. Sau chiến dịch, biên giới Việt - Trung được khai thông, đường số 3 không những trở thành con đường chiến dịch của ta trên chiến trường Bắc Đông Dương, mà còn là con đường giao thông huyết mạch của cả nước. Đây là tuyến đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên, qua Bắc Kạn, vượt Đèo Giàng, đèo Gió lên Cao Bằng, gặp đường 4 (Cao Bằng - Lạng Sơn - Móng Cái), từ Quốc lộ 3 còn có nhiều tuyến đường giao thông nối liền với các tỉnh bạn, thuận tiện cho việc vận chuyển lên biên giới Việt - Trung.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của đường số 3, thực dân Pháp đã tập trung không quân đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược này. Để đảm bảo giao thông cho chiến khu Việt Bắc, các đội Thanh niên xung phong được giao nhiệm vụ bảo vệ dọc tuyến Quốc lộ 3, đảm nhận việc bảo vệ, sửa chữa con đường huyết mạch của cuộc kháng chiến. Ngày 19/3/1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tới vùng biên giới để kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng, thăm các lực lượng Thanh niên xung phong và một số đơn vị vận tải, kho hàng dọc tuyến.

Ngày 28/3/1951, Bác Hồ ghé thăm đơn vị Thanh niên xung phong 312 đóng tại Nà Tu. Sau khi ân cần thăm hỏi, Bác nhắc toàn thể cán bộ, đoàn viên TNXP phải có kế hoạch làm việc, khắc phục khó khăn, đoàn kết và tổ chức tốt công tác thi đua để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Bác đã dành tặng Liên phân đội TNXP 312 bốn câu thơ:
                                              "Không có việc gì khó
                                              Chỉ sợ lòng không bền
                                              Đào núi và lấp biển
                                              Quyết chí ắt làm nên"

Sự kiện Bác Hồ đến thăm Liên phân đội Thanh niên xung phong 312 tại Nà Tu và tặng bốn câu thơ là nguồn cổ vũ to lớn đối với các chiến sĩ trẻ trên mặt trận đảm bảo giao thông. 4 câu thơ Bác tặng thanh niên xung phong đã được đồng chí Dương Thiết Sơn, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, người đưa Bác đi thăm đơn vị, chuyển cho Trung ương Đoàn và được nhạc sĩ Hoàng Hà phổ nhạc thành bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”. Từ đó lời dạy của Bác trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của các thế hệ thanh niên Việt Nam, luôn quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với ý nghĩa đó, ngày 18/3/1996, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã Quyết định công nhận và xếp hạng di tích Nà Tu là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trước đây, Di tích lịch sử Nà Tu thuộc quyền quản lý của UBND xã Cẩm Giàng trên diện tích 168m2. Từ năm 2012, UBND tỉnh Bắc Kạn giao cho Tỉnh đoàn Bắc Kạn trực tiếp khai thác, quản lý.

Xác định ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Di tích lịch sử Nà Tu đối với tỉnh, năm 2014 Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã lập hồ sơ quy hoạch và đề án xây dựng, mở rộng quy mô diện tích lên đến 11.000m2, gồm nhiều hạng mục như: Nhà tiếp đón trưng bày, nhà tưởng niệm Bác Hồ, cụm tượng đài Bác Hồ với TNXP, sân cắm trại… Công trình tu bổ và xây dựng các hạng mục khởi công năm 2015 và đưa vào vận hành, khai thác tháng 2/2017.

Ngoài một số hạng mục chính, gây ấn tượng mạnh nhất đối với khách tham quan chính là cụm tượng Bác Hồ với TNXP trên diện tích 271m2, cao 7,2m. Đứng chính giữa là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đôi mắt sáng ngời, 7 nhân vật còn lại là cán bộ, đội viên Liên phân đội TNXP 312 đang trong các tư thế đứng, ngồi với tâm thế hừng hực, quyết tâm chiến đấu, ánh mắt họ đều hướng về phía Bác.

Cụm tượng đài Bác Hồ với thanh niên xung phong.
Cụm tượng đài Bác Hồ với thanh niên xung phong.

Hiện nay Di tích lịch sử Nà Tu là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của các tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong tỉnh Bắc Kạn. Di tích cũng trở thành địa chỉ đỏ cho lớp lớp các thế hệ tuổi trẻ, du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, học tập. Trong năm 2020, Khu di tích lịch sử Nà Tu đã tiếp đón 60 đoàn khách, 2.114 lượt khách tham quan.

Về Nà Tu thăm Khu di tích và đọc lại 4 câu thơ tặng thanh niên của Bác Hồ càng thấy rõ hơn ý nghĩa lời khuyên ấy. Đó chính là ngọn lửa của ý chí và quyết tâm vượt mọi khó khăn mà Bác đã nhen nhóm lên trong lòng bao thế hệ thanh niên nói riêng và người Việt Nam nói chung. 70 năm qua, ngọn lửa ấy đã, đang và sẽ cháy sáng mãi, lan tỏa trên cả nước từ Nà Tu. Tháng ba, chia tay Nà Tu, tôi cảm nhận ngọn lửa vô hình từ bài thơ của Bác năm xưa vẫn sáng soi mỗi bước đường của thế hệ trẻ./.


Huyền Thương

Xem thêm