"Hương xuân" trong tác phẩm Văn học nghệ thuật

Mùa xuân được coi là mùa của sự tái sinh, đổi mới và phát triển. Đây cũng là thời gian mà các văn nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm Văn học nghệ thuật đặc sắc.

Mùa xuân được coi là mùa của sự tái sinh, đổi mới và phát triển. Đây cũng là thời gian mà các văn nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm Văn học nghệ thuật đặc sắc.

Những khoảnh khắc ấn tượng trong hội xuân được các văn nghệ sĩ lưu lại. (Hồi hộp theo dõi trận thư hùng - tác giả: Đại Lượng)
Những khoảnh khắc ấn tượng trong lễ hội Xuân được các văn nghệ sĩ lưu lại. (Hồi hộp theo dõi trận thư hùng - tác giả: Đại Lượng)

Cùng với sự thay đổi của đất trời, vạn vật, mùa xuân còn là dịp Tết Nguyên đán và những lễ hội tưng bừng rộn rã. Lúc này, các nghệ sĩ nhiếp ảnh dành nhiều thời gian cho những chuyến đi thực tế để thỏa sức sáng tạo và lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng. Thông qua những bức ảnh, người xem có thể cảm nhận được từng cung bậc cảm xúc theo thời gian. Bức ảnh “Trước ngày hội” (tác giả Phùng Quốc Thắng) đã cho thấy giây phút chuẩn bị của các cô gái dân tộc đi vui hội vô cùng đẹp đẽ, nên thơ. Theo đó là giây phút tưng bừng rộn rã của các trò chơi dân gian trong các tác phẩm: Hào hứng trong các trò chơi; Đánh đu; Gói bánh chưng trong ngày Tết (tác giả Ngô Đức Mích); Bịt mắt đánh trống (tác giả Phùng Minh Hiệu); Tung còn (tác giả Nông Văn Kim)… Tất cả đều mang đến cho người xem không khí hân hoan, tràn ngập sức sống của một năm mới. Đặc biệt, các tác phẩm ảnh đều có tính nghệ thuật cao, người xem không chỉ thưởng thức khoảnh khắc đẹp mà còn cảm nhận được nét đặc sắc từ bản sắc văn hóa vùng cao.

Nếu ảnh chụp ghi lại khoảnh khắc chân thực, sống động thì tranh vẽ lại được các họa sĩ tỉ mẩn thổi hồn vào đó những hình ảnh nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa. Ngoài những bức tranh vẽ về lễ hội thì mùa xuân trong Mỹ thuật còn xuất hiện thông qua những cảnh vật quen thuộc. Đó có thể là “Hoa chuối rừng” (tác giả Hạ Sơn) đỏ rực khi đi nương rẫy; là hoa đào nở trong những chiều “Chăn trâu” (tác giả Mạnh Sáng) của em bé quê; là tình cảm gia đình, là nỗi nhớ của người ở nhà dành cho con cháu đi làm ăn xa chưa kịp về như trong bức tranh “Ngóng” (tác giả Nông Thị Thanh)… Thông qua những bức tranh như thế, người xem đến với mùa xuân thật nhẹ nhàng và tràn ngập những cảm xúc khác nhau theo từng cảm nhận riêng.

Còn đối với chuyên ngành Văn học thì mùa xuân lại khiến các tác giả rung động từ những đổi thay rất nhỏ của đất trời. Khi không khí “ngọt rét” về đêm, tác giả Quách Đăng Thơ giật mình nhận thấy mùa xuân đang đến, theo đó là “lộc xuân” nhú mầm, rồi “Hoa lá nẩy hương mộng” và “Hương xuân trải khắp núi đồi”. Từ những cảm nhận đó, bài thơ “Đêm xuân” của tác giả Quách Đăng Thơ đã đưa người đọc bay bổng theo những cảm nhận về mùa xuân và đất trời. Mùa xuân đối với các em nhỏ lại đơn giản, ngây ngô và sinh động hơn. Điều đó được tác giả Duy Thành ghi lại trong bài thơ “Xuân về”. Khi hoa nở, chim ríu rít là bé biết xuân đang đến, lúc đó bé sẽ theo bà lăng xăng dọn nhà đón Tết, hớn hở thử váy đẹp để vui hội xuân…

Có thể nói, các văn nghệ sĩ đã đưa những hương sắc mùa xuân đến với bạn đọc bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng dù ở chuyên ngành nào, các tác phẩm cũng mang đậm dấu ấn riêng về vùng cao Bắc Kạn, để những người con của quê hương tin tưởng, hi vọng về năm mới thành công, bình an và thân thuộc, như tác giả Đinh Hữu Hoan viết trong bài thơ "Sang xuân":

“Mỗi độ xuân về quê hương như mới thêm
Từ Chợ Mới qua Áng Toòng, Cao Bắc
Mía ngọt, quýt ngon, nếp thơm thêm hương sắc
Ba Bể cảnh tiên trong nỗi nhớ gần xa...
Xuân quê hương, xuân đến với mọi nhà
Năm mới đến dựng cây nêu đón Tết
Xuân đất trời cỏ cây bừng lộc biếc
Xuân trong em bối rối giữa hội xuân”.

Bích Phượng
 

Xem thêm