Nông Viết Toại- nhà văn của núi rừng Bắc Kạn

Dù đi đến đâu, gặp ai, nhà văn Nông Viết Toại vẫn luôn khẳng khái nhấn mạnh mình là người thôn quê, người dân tộc miền núi. Từ con người, cho đến văn chương của ông cái chất vùng cao chưa bao giờ ấn dấu, nó xuất hiện một cách đặc biệt, bừng sáng và riêng biệt...

Dù đi đến đâu, gặp ai, nhà văn Nông Viết Toại vẫn luôn khẳng khái nhấn mạnh mình là người thôn quê, người dân tộc miền núi. Từ con người, cho đến văn chương của ông cái chất vùng cao chưa bao giờ ấn dấu, nó xuất hiện một cách đặc biệt, bừng sáng và riêng biệt...

Hàng ngày, ông vẫn cặm cụi hoàn thành tâm huyết cả đời của mình.
Hàng ngày, ông vẫn cặm cụi hoàn thành tâm huyết cả đời của mình.

Năm 2015, sau khi đọc thơ và những bài viết về nhà văn Nông Viết Toại, tôi tìm đến căn nhà cách xa phố phường của ông. Ra đón tôi là một người đã cao tuổi, hơn tám mươi, vóc người nhỏ, vầng trán cao, ánh mắt ánh lên những tia sáng thân thiện. Tôi cúi đầu chào ông, khuôn mặt ông rạng rỡ, miệng móm mém cười, thân mật mời tôi vào căn phòng nhỏ xếp đầy sách. Tôi thầm nghĩ: Đây đúng là nhà văn của những vần thơ mà thế hệ ông, bà vẫn hay ngâm nha, một thứ thơ gần gũi, chân phương, giản dị đến từng câu chữ.

Nông Viết Toại sinh ngày 26/4/1926 tại thôn Nà Cọt, xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn). Tên khai sinh của ông là Nông Đình Hân, là em trai của nhà thơ Nông Quốc Chấn- người vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Trong những năm tháng hoạt động, ông đã từng là Bí thư huyện; là quản lý văn hóa; Trưởng đoàn Văn công Việt Bắc; Giám đốc bảo tàng Việt Bắc; Chủ tịch Hội văn nghệ Việt Bắc... Dù bận rộn với công tác chuyên môn, ông vẫn miệt mài sáng tác, sáng tạo và cống hiến những tác phẩm Văn học Nghệ thuật.

Sinh ra và lớn lên giữa cái nôi của văn hóa Tày, Nông Viết Toại sớm bộc lộ niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết. Cùng với đó, mẹ ông cũng hết lòng ủng hộ việc học tập của các con, chính vì thế từ bé ông đã được học bài bản chữ Hán, rồi chữ Nho và chữ Quốc ngữ khi bắt đầu tham gia cách mạng. Ông sáng tác rất nhiều, từ truyện ngắn, phổ nhạc, cho đến viết kịch nhưng được biết đến nhiều nhất là về thơ, đặc biệt là thơ Tày.

Hỏi về những sáng tác của nhà văn Nông Viết Toại, hẳn phải xếp đầy một cái hòm lớn. Bởi việc sáng tạo, viết lách với ông quan trọng và gắn bó như máu thịt. Cho đến nay, khi đã 93 tuổi, căn phòng của ông nổi bật nhất vẫn là giá sách lớn và cái bàn làm việc đầy giấy học sinh. Vậy mà khi nhắc đến các tác phẩm hay giải thưởng văn chương, ông cười bỏm bẻm: Thực tình tôi cũng không nhớ hết được, sách thì cũng ra ít, chỉ chừng 4-5 cuốn. Sáng tác thì nhiều đấy, nhưng là theo bản năng, tôi lại tự ti nên chẳng dám gửi đến các nhà xuất bản, thành ra.... Lắng nghe câu nói ngập ngừng từ ông, chúng tôi cáng xúc động khi nghĩ về nhân cách và những đóng góp của ông cho quê hương. Cả tuổi trẻ ông cống hiến cho Cách mạng, cho lý tưởng và sự nghiệp Văn hóa, những thành tích ghi dấu ấn tên ông không hề ít, nhưng khi được nhắc đến ông chỉ lắc đầu và mỉm cười hiền lành.

Ngày ngày, ngoài những sinh hoạt cá nhân thời gian còn lại ông dành tất cả cho việc đọc sách, báo và ghi chép. Ông vẫn luôn tâm niệm rằng, văn hóa là gốc rễ của một dân tộc vậy nên những năm tháng còn lại này, ông dành cho tâm nguyện bảo tồn ngôn ngữ Tày. Tất cả các bản thảo đều được Nhà văn Nông Viết Toại ghi chép tỉ mỉ trên giấy học sinh. Đó là tiếng Tày cổ đã bị mai một; là tục ngữ cổ xưa; là những bản sắc văn hóa lâu đời... rất nhiều cuốn vở học sinh lưu giữ công trình công phu cả đời của ông đã được hoàn thành. Dù giản đơn, chân phương như chính tác giả, nhưng chúng tôi hiểu rằng, đây đều là những di sản quý cho ngôn ngữ văn hóa Tày, và là tư liệu quý báu để giữ gìn, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số.

Nhắc đến Nhà văn Nông Viết Toại, người dân Bắc Kạn không khỏi tự hào với những đóng góp của ông trong nền Văn học cách mạng, đặc biệt là Văn học các dân tộc miền núi phía Bắc. Càng tiếp xúc với ông, sẽ càng thấm thía về con người cả đời dành trọn tâm huyết cho quê hương, cho ước nguyện giữ gìn và phát triển văn hóa cội nguồn. Để từ đó sẽ thấy rằng văn chương và phong thái của ông lúc nào cũng có hình bóng của con người Bắc Kạn: chất phác, giản đơn nhưng lại vô cùng hào sảng và thương mến...

Bích Phượng
 

Xem thêm