Bắc Kạn đầu tư tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử

Những năm qua, công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh từng bước được chú trọng trên địa bàn tỉnh được quan tâm đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả. Góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Những năm qua, công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh từng bước được chú trọng trên địa bàn tỉnh được quan tâm đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả. Góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, tỉnh Bắc Kạn có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đa dạng, phong phú. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, trên địa bàn tỉnh hiện có 152 di tích, trong đó có 06 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt là hồ Ba Bể và Khu ATK Chợ Đồn) và 36 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Di tích lịch sử nổi bật là Khu ATK Chợ Đồn gồm các di tích tiêu biểu như: Bản Ca, Nà Pậu, Nà Quân, Khuổi Linh, Khau Mạ; Khu di tích Nà Tu - Cẩm Giàng, Đồn Phủ Thông, Địa điểm Chiến thắng Đèo Giàng… Danh lam thắng cảnh: Vườn quốc gia Ba Bể với các danh thắng như: hồ Ba Bể, Ao Tiên, thác Đầu Đẳng, Động Puông, Động Hua Mạ, hang Thẳm Phầy, bản Pác Ngòi nằm trên bờ hồ…Động Nàng tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Na Rỳ); Đỉnh Phya Khao (Chợ Đồn); Hồ Bản Trang và thác Nà Khoang (Ngân Sơn); thác Bạc, thác Rọom (thành phố Bắc Kạn). Hệ thống Đền, Chùa gồm: Đền Thắm, Chùa Thạch Long (huyện Chợ Mới); Đền Thác Giềng, Đền Cô, Đền Mẫu (thành phố Bắc Kạn)…

Trong những năm qua, một số các di tích bị xuống cấp là do các di tích đã được xây dựng từ lâu đời, tồn tại trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có cường độ phong hóa cao, trong khi đa số các di tích được tạo dựng bằng các vật liệu gỗ, gạch, ngói... có độ bền không cao, sức chống chọi thấp. Do đó, số lượng di tích trên địa bàn phải tu bổ, sửa chữa hàng năm ngày càng tăng, trong đó, có những di tích phải tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Trước thực trạng đó, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, bố trí ngân sách cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích.  Công tác hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích cơ bản được hoàn thiện bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá. Đến nay hầu hết các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng, tu bổ, hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo.

Từ năm 2007 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh tôn tạo di tích danh thắng Động Nàng Tiên (Na Rì) với số tiền là 2.198.606 đồng; 4/8 di tích thuộc dự án “Phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử ATK tại Bắc Kạn”: Di tích Đèo Giàng (Ngân Sơn) với số tiền 4.453.710.000 đồng; Khuổi Linh với số tiền 5.554.219.075đ; Nà Pậu 4.694.204.000đ; Bản Ca (Chợ Đồn) 2.234.634.433 đồng; Hoàng Phài 3.762.134.748 đồng.

Di tích Bản Ca (Chợ Đồn) được đầu tư tôn tạo mới khang trang thú hút khách tham quan.
Di tích Bản Ca (Chợ Đồn) được đầu tư tôn tạo mới khang trang thú hút khách tham quan.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai dự án di tích Nà Tu (Bạch Thông) với nguồn kinh phí của tỉnh tôn tạo, trùng tu di tích của tỉnh mới chỉ thực hiện ở di tích Coỏng Tát (Ngân Sơn) với số tiền 393.081.000đ; nhà Hội Đồng Pháp (TP Bắc Kạn) với số tiền 2.456.971.263đ. Ngân sách cấp huyện chỉ có huyện Ba Bể thực hiện được Di tích Phiêng Chì với số tiền là 1.135.970.370đ; Tổng Luyên với số tiền 727.082.928đ. Nguồn vốn xã hội hoá tại các điểm di tích tôn giá- tín ngưỡng như: Di tích Đền Tiên Sơn (Chợ Đồn) với số tiền: 368.039.000đ; Đền Thắm với số tiền 566.015.000đ; Chùa Thạch Long (Chợ Mới) với số tiền 7.000.000.000đ...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo các di tích góp phần khơi thông nội lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử. Tuy nhiên, việc huy động nguồn kinh phí cho công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích hiện nay còn hạn chế do điều kiện kinh tế của nhân dân một số địa phương còn khó khăn. Nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng mới được tiến hành gia cố, tu sửa theo từng cấu kiện nhỏ không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến giá trị của di tích. Ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn các di tích ở một số địa phương chưa cao...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hà-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: để tiếp tục đẩy mạnh việc tu bổ, tôn tạo các di tích, cần tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng và toàn thể nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ di tích. Huy động nguồn xã hội hóa từ nhân dân để tu bổ, tôn tạo các di tích; đẩy mạnh công tác giáo dục về di sản văn hóa cho mọi tầng lớp nhân dân. Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn, thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

Có thể thấy, từ đó gắn kết trực tiếp quá trình bảo tồn di sản văn hoá vật thể trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển du lịch, đóng góp quan trọng cho ngân sách của địa phương và góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Bích Ngọc

Xem thêm