Hình ảnh người giáo viên vùng cao trong văn học Bắc Kạn

Từ xưa đến này, thầy cô giáo luôn được cả xã hội yêu quý và kính trọng. Hình ảnh ấy đã đi vào nhiều bài hát, câu chuyện của những người làm văn hóa, văn nghệ. Đối với nhiều tác giả văn học tỉnh Bắc Kạn cũng vậy, người giáo viên miền núi luôn là một đề tài mang lại những cảm xúc đặc biệt…

Từ xưa đến này, thầy cô giáo luôn được cả xã hội yêu quý và kính trọng. Hình ảnh ấy đã đi vào nhiều bài hát, câu chuyện của những người làm văn hóa, văn nghệ. Đối với nhiều tác giả văn học tỉnh Bắc Kạn cũng vậy, người giáo viên miền núi luôn là một đề tài mang lại những cảm xúc đặc biệt…


Bắc Kạn vốn là một tình vùng cao, nơi có núi rừng đại ngàn, địa hình đi lại khó khăn và cả thời tiết khắc nhiệt khi đông đến. Những đặc điểm ấy càng làm sáng lên tinh thần vì học sinh thân yêu của giáo viên nơi đây. Các cô không chỉ hết lòng truyền dạy kiến thức trên lớp mà còn không ngại khó, không ngại khổ tình nguyện lên vùng cao, mang cái chữ đến cho đồng bào dân tộc miền núi. Chính vì vậy, không lạ khi hình ảnh nhà giáo trong các tác phẩm văn học của Bắc Kạn hầu hết là những thầy, cô ở phân trường vùng cao.


“…Em Cô gái miền xuôi
Yêu bản làng lên đây dạy học
Đã qua bao năm khó nhọc
Chợt gặp trong mơ ngày ấy xa rồi…
Em tươi tắn nụ cười
Lời giảng thân thương
đưa học trò gặp biển…”

Đó là những câu thơ trong bài Ơi núi đá Thác Hoa! Của tác giả Quách Đăng Thơ. Một tác phẩm tha thiết nỗi nhớ và lòng biết ơn với cô giáo trẻ từ miền xuôi lên miền ngược. Xuyên suốt cả bài là hình ảnh cô gái mới 25 tuổi lên nhận công tác giữa núi rừng, những bỡ ngỡ thủa ban đầu với cảnh vật hùng vĩ, nên thơ của “Núi đá Thác hoa”, “suối Lèng” đã khiến cô thêm yêu bàn làng nơi đây. Cô giáo không chỉ cho học sinh những kiến thức mà còn trải qua gian khó với những món ăn mang đặc trưng như “cơm rừng đu đủ, ớt xanh, muối rang, măng đắng…” Rồi những ngày mưa tầm tã, đường trơn cô giáo tìm vào thăm nhà học trò bị trượt ngã, tình cảm của những người anh, em nơi đây đã níu chân cô đến 15 năm, khi ấy tuổi xuân đã như một cơn gió…

Cô giáo Hà Thị Thu (tác giả Sương Thu) và học sinh vùng cao.
Cô giáo Hà Thị Thu (tác giả Sương Thu) và học sinh vùng cao.


Người giáo viên qua những tác phẩm văn học không chỉ hết lòng truyền dạy kiến thức, họ còn tràn ngập tình thương với đàn em nhỏ, tâm hồn không lúc nào ngơi nghỉ, trăn trở khi nghĩ đến học trò. Đó là những ngày đông giá lạnh, học trò chịu lạnh đến lớp, ngồi giữa căn nhà tạm sương lạnh, gió mùa, các em co ro run rẩy, khi ấy:


“…Nhìn đám trẻ áo phong phanh
Cô giáo xót trào tuôn nước mắt
Nhủ với lòng tiền lương tháng tới
Trích dành mua tặng áo em thơ”
(Tặng áo cho em – Tô Hường)

Hay như hình ảnh cô giáo coi học sinh như con, nỗi đau không thể kìm nén khi các em gặp nạn, giọt nước mắt thổn thức rơi ngay trong giờ giảng qua bài thơ Lớp học sau cơn lũ của nhà thơ Dương Khâu Luông cũng đã góp phần làm sáng lên tấm lòng nhân hậu của những người giáo viên...

Trong năm 2017, tác giả Sương Thu đã cho ra đời truyện ngắn đầu tay “Trăng nơi đáy sông”. Chắc hẳn ai đã từng đọc qua tác phẩm này cũng đang đau đáu một nỗi xót xa dành cho những thầy cô giáo trong truyện. Dẫn dắt độc giả là những lời tâm sự của cậu em trai cô giáo Hằng, ngay từ đầu truyện đã mang đến một khung cảnh huyền bí với các địa danh quen thuộc của Hồ Ba Bể như: Động Puông, Pò Già Mải, Pé Nầm… Cô giáo xinh đẹp, trắng trẻo được mẹ yêu chiều lớn lên giữa vùng Hồ, sau khi học xong chuyên nghiệp, cô cùng 4 người bạn tình nguyện lên dạy học tại thôn vùng cao của Pác Nặm. Những năm tháng tuổi trẻ rạng rỡ, họ cùng nhau sinh sống, dạy chữ cho trẻ thơ, hòa đồng với dân bản. Thế nhưng, trong một trận lũ lớn, một người bạn trong nhóm bị bệnh nặng, cả 4 người còn lại đưa bạn qua sông cấp cứu, mưa to, sóng lớn đã khiến thuyền gặp tai nạn… và họ đã sống mãi với tuổi trẻ, với vùng núi và cả những ước mơ, hoài bão còn dang dở. Bằng giọng văn mềm mại, tác giả Sương Thu đã dựa trên câu truyện có thật và cho ra đời “Trăng nơi đáy sông”; và đã làm hay động biết bao trái tim khi đọc đến những dòng chữ tha thiết “…Ngủ ngoan nhé, ngày mai các anh chị lại về với bản làng, nơi có các em nhỏ chờ thầy cô giáo phía sông bên kia. Mưa đã tạnh rồi, dòng sông lại hiền hòa như trước. Nằm nơi đáy sông lạnh lắm. Về đi... về nhà đi chị. Về! Liên ơi! Hoàng ơi! Hùng ơi! Huyền ơi!...”


Có thể thấy, những tác phẩm văn học của các văn nghệ sĩ Bắc Kạn đã góp phần đưa hình ảnh nhà giáo đến gần hơn với độc giả. Không chỉ trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen; các thầy, cô giáo qua những bài thơ, câu truyện còn sáng lên sự hi sinh, tấm lòng nhân ái không tiếc tuổi xuân mà vượt gian khó để đem “cái chữ’ đến vùng sâu vùng sa. Mong rằng, trong thời gian tới chủ đề này sẽ được khai thác ở nhiều khía cạnh, để có thêm nhiều tác phẩm hay và chất lượng hơn nữa, góp phần làm sáng mãi hình ảnh giáo viên vùng cao.


Bích Phượng
 

Xem thêm