Liên kết phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc - Bài 2

Định hướng quy hoạch và phát triển du lịch vùng

Định hướng quy hoạch và phát triển du lịch vùng

Vùng chiến khu Việt Bắc được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và nhiều di tích lịch sử, danh thắng độc đáo. Làm thế nào để quy hoạch phát triển du lịch Việt Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang là vấn đề được đặt ra cho các tỉnh trong vùng.

Du khách thăm lán Khuôn Tát - nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng giữa Bác  với các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội.
Du khách thăm lán Khuôn Tát- nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng giữa Bác Hồ với các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội.

Hiệu quả thu hút khách du lịch

Những năm gần đây, khách du lịch đến với Việt Bắc ngày một tăng, nhưng lượng khách phân bổ không đều giữa các địa phương, tính mùa vụ cao, tập trung vào các lễ hội đầu năm. Thời gian khách lưu lại rất ngắn, trung bình dưới 1,5 ngày. Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể. Do đó, nguồn thu từ du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Gần đây, khách nội địa đến từ các thị trường xa như các tỉnh phía Nam đang có xu hướng tăng. Tỷ trọng khách quốc tế chủ yếu đến từ châu Âu, Úc và Nhật Bản, Hàn Quốc đến Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên; khách Trung Quốc qua các cửa khẩu Hà Giang, Cao Bằng là chủ yếu. Phương tiện tiếp cận các điểm đến Việt Bắc chủ yếu theo đường bộ.

Nơi đầu nguồn suối Lê-nin (Cao Bằng).
Nơi đầu nguồn suối Lê-nin (Cao Bằng).


Tính đến hết tháng 7/2016 trên địa bàn 6 tỉnh đã có gần 1.200 cơ sở lưu trú, trong đó có 270 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 4 sao. Trên địa bàn các tỉnh đã có nhiều dự án xây dựng khách sạn đạt chuẩn từ 3 - 4 sao của một số doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, Saigon tourist, Panhou... Hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí tại Việt Bắc vẫn còn thiếu. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu. Hệ thống giao thông vùng Việt Bắc chưa được đầu tư đồng bộ, đường xá đi lại còn gặp nhiều khó khăn.


Có thể nhận thấy, trong thời gian gần đây du lịch khu vực Việt Bắc đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu hiện nay. Các sản phẩm du lịch đơn điệu, tương đối mờ nhạt và chất lượng không cao, ít hấp dẫn về hình thức. Các di tích chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Nhiều di tích và các điểm du lịch khó tiếp cận, khai thác bởi hạ tầng yếu kém cùng trở ngại về giao thông đi lại khó khăn. Sự phát triển du lịch manh mún, dựa vào khai thác những tiềm năng sẵn có là chính, thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng theo một chiến lược chung, chưa tạo được sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Để du lịch trong khu vực phát huy tối đa tiềm năng của mình, trong thời gian tới các địa phương đã có những định hướng thực hiện đồng bộ một số giải pháp, nhằm đưa du lịch Việt Bắc phát triển.



Định hướng giải pháp phát triển du lịch Việt Bắc

Để du lịch vùng Việt Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có thì cần có các sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng, thương hiệu riêng, tạo điểm nhấn, điểm khác biệt đối với du khách dựa trên các tiềm năng thế mạnh nổi trội của từng nơi.

Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng chiến khu Việt Bắc làm say đắm du khách.
Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng chiến khu Việt Bắc làm say đắm du khách.

Việt Bắc là vùng rộng lớn với địa hình hiểm trở, rừng núi chập chùng, vì vậy để liên kết và phát triển du lịch về không gian thì điều kiện tiên quyết là phải có sự kết nối của các tuyến đường giao thông thuận lợi. Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn là đường cao tốc loại A dài hơn 61km đi qua 4 địa phương này có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án (đoạn Hà Nội - Thái Nguyên) là 8.104 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 6.093,1 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 2.011,3 tỷ, đã đưa vào sử dụng từ tháng 9/2016. Khi đường Thái Nguyên - Chợ Mới đi vào hoạt động đã tạo ra tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch nói riêng, tạo đà dịch chuyển và góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội khu vực nói chung. Đường cao tốc này có ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao khả năng tiếp cận các tỉnh vùng Việt Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Trong thời gian tới, ngành giao thông vận tải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp phát triển hạ tầng giao thông các tỉnh Việt Bắc đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục đầu tư các dự án mới…
 

Để xúc tiến quảng bá, các cơ quan du lịch của địa phương thuộc vùng Việt Bắc cần tích cực tham gia vào các hội chợ du lịch lớn ở trong và ngoài nước. Tận dụng sự hỗ trợ của cơ quan du lịch quốc gia, các tổ chức trong và ngoài nước triển khai e-marketing, ứng dụng công nghệ truyền thông, mạng xă hội để nâng cao hiệu quả quảng bá; tích cực tổ chức đón các hãng lữ hành đến khảo sát, xây dựng sản phẩm và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Bắc đến với du khách trong nước và quốc tế.

Liên kết hợp tác phát triển du lịch là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc phát triển du lịch Việt Bắc. Việc liên kết giữa các điểm đến, các địa phương trong khu vực sẽ tạo ra được những tour, tuyến du lịch độc đáo trên cơ sở khai thác những điểm đến nổi bật và khác biệt của từng địa phương. Bên cạnh việc liên kết nội vùng, các tỉnh Việt Bắc còn cần phải liên kết với những địa phương trọng điểm du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và liên kết phát triển du lịch qua biên giới thu hút khách du lịch từ Trung Quốc, nhất là các địa phương có cửa khẩu quốc tế Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng. Hệ thống doanh nghiệp làm du lịch ở các tỉnh Việt Bắc còn ít và chủ yếu quy mô nhỏ nên bên cạnh việc tự nâng cao năng lực thì yếu tố liên kết có ý nghĩa rất quan trọng để tận dụng thế mạnh của nhau về thông tin, sản phẩm, quảng bá…

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, khối hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc với sự quan tâm của Trung ương, sự chủ động sáng tạo của các địa phương trong vùng, sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức như Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Dự án EU… đã thu được những kết quả rất tích cực: Góp phần phát triển du lịch bền vững, giảm nghèo cho các cộng đồng được hỗ trợ trực tiếp từ phát triển du lịch; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và nhân lực du lịch tại các địa phương 6 tỉnh; xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, không trùng lặp ở các địa phương… mang lại những hiệu quả thiết thực góp phần vào sự thúc đẩy phát triển du lịch vùng và của từng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Hà- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: Du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa là một sản phẩm đặc thù và chủ lực của Việt Bắc. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng là người dân bản địa, am hiểu về văn hóa bản địa và được đào tạo bài bản về nghề du lịch để bảo đảm du khách vừa được phục vụ tốt vừa có được trải nghiệm nguyên bản về văn hóa địa phương. Cần bảo đảm cả hai yếu tố này để tránh sự cực đoan hoặc là nguyên sơ quá không biết làm du lịch, hoặc là thương mại hóa quá mất đi tính thuần khiết của văn hóa vùng cao. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ ngành Du lịch cũng cần được quan tâm nâng cao trình độ, kỹ năng, đặc biệt là năng lực sáng tạo trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên nghiệp và tiếp cận với tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá truyền thông.

Về định hướng phát triển du lịch, văn hóa vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh, theo quy hoạch, sẽ phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm với các loại hình du lịch chủ yếu: Văn hóa tín ngưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng, du lịch nghiên cứu, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với các loại hình du lịch và tính chất của vùng, phát huy được tiềm năng lợi thế của vùng, ưu tiên phát triển các sản phẩm địa phương như làng nghề truyền thống, sản vật địa phương có thương hiệu, lễ hội, thơ ca...

Đồng thời, bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu gắn với phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch. Duy trì và xây dựng không gian công cộng trong thôn bản dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng và các lễ hội đặc trưng: Lễ hội Lồng Tồng, lễ hội chè, hát then... Đẩy mạnh liên kết du lịch vùng ATK với các khu du lịch quốc gia thuộc các tỉnh lân cận như: Đền Hùng - ATK (Trung Sơn, Tân Trào) - Pác Bó; Hồ núi Cốc - ATK (Phú Đình, Chợ Chu) - Hồ Ba Bể; Tam Đảo - ATK (Tân Trào, Kim Bình) - Na Hang; ATK (Chợ Chu, Phú Đình, Tân Trào, Tuyên Quang) - Thác Bà…

                                                                 
Phía Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Bắc cho rằng: Vùng chiến khu Việt Bắc là khu vực miền núi có những đặc trưng riêng không thấy ở nơi nào khác trên đất nước. Sự hấp dẫn của du lịch Việt Bắc đã được khẳng định trong nhiều năm qua và luôn nằm trong danh sách điểm đến không thể bỏ qua của những du khách ưa thích sự khoáng đạt, mạo hiểm muốn tìm đến thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, trải nghiệm nguyên bản về văn hóa. Nhưng mặt khác, Việt Bắc cũng là địa bàn nghèo, xa xôi, địa hình hiểm trở, nhiều điểm đến khó tiếp cận, một số địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung. Do vậy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cam kết, chủ động sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan, nhận thức và hành động của cộng đồng địa phương là những yếu tố quyết định đến sự thành công trong phát triển du lịch Việt Bắc, góp phần vào thúc đẩy kinh tế - xã hội của toàn khu vực. (hết).

Bích Ngọc

Xem thêm