Liên kết phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc - Bài 1

Tạo dựng thương hiệu du lịch

Tạo dựng thương hiệu du lịch

Qua nhiều năm xây dựng, các tỉnh trong vùng chiến khu Việt Bắc đã tập trung phát triển được chuỗi sản phẩm du lịch liên kết vùng. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh cho du lịch vùng đã và đang được các tỉnh quan tâm.

Đồi Khau Tý, xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc nơi Bác Hồ chọn là điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hoá lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc kháng chiến chống thực dân pháp.
Đồi Khau Tý, xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc nơi Bác Hồ chọn là điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hoá lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đặc điểm vùng chiến khu Việt Bắc

Vùng chiến khu Việt Bắc gồm 6 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn và Thái Nguyên, có không gian bao gồm phần lớn lãnh thổ vùng núi phía Bắc và Đông Bắc, với diện tích tự nhiên 36.876km2, dân số tính đến tháng 4/2004 là 5.560.000 người, chiếm 33% diện tích tự nhiên và gần 31,8% dân số vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Mật độ dân số trung bình của tiểu vùng là 136 người/km2.

Là vùng có đường biên giới với Trung Quốc với nhiều cửa khẩu quan trọng trong đó có cửa khẩu Đồng Đăng, Tân Thanh (Lạng Sơn) là trung tâm thương mại, kinh tế cửa khẩu lớn của cả nước tạo nên lợi thế so sánh về khai thác nguồn khách du lịch quốc tế, thương mại. Là tiểu vùng có nhiều tiềm năng tài nguyên giá trị kinh tế về rừng, khoáng sản... Với vị trí và tiềm năng của mình, đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng trung du miền núi bắc bộ nói riêng và của cả nước nói chung.

Phần lớn diện tích của vùng chiến khu Việt Bắc là vùng núi trung bình và thấp, có địa hình đa dạng với khí hậu trong lành, cảnh quan hấp dẫn tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên giá trị. Về hang động, núi đá vôi có thể kể đến Nhất, Nhị, Tam Thanh ở Lạng Sơn, Ngườm Ngao ở Cao Bằng, động Puông ở Bắc Kạn; về hồ cảnh quan tiêu biểu là hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Thang Hen (Cao Bằng); về điểm danh thắng và nghỉ mát có thác Bản Giốc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)...

Bên cạnh đó, vùng chiến khu Việt Bắc là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, H'Mông... trong đó bản sắc văn hoá dân tộc Tày, Nùng với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Đặc biệt, đây còn là Chiến khu Cách mạng với nhiều di tích nổi tiếng gắn liền với Cách mạng Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh như hang Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng); Tân Trào (Tuyên Quang); ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn); ATK Định Hoá (Thái Nguyên); các di tích chiến thắng Đông Khê, Thất Khê... và các di tích gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông như Ải Chi Lăng (Lạng Sơn).

Tuy là khu vực miền núi, nhưng ngoài mối liên nội vùng, tiểu vùng vẫn có quan hệ chặt chẽ với các lãnh thổ khác, đặc biệt là với thủ đô Hà Nội và vùng duyên hải Đông Bắc qua quốc lộ 1 và quốc lộ 4A. Vùng Việt Bắc là một thị trường du lịch có tiềm năng lớn.

Giá trị thương hiệu du lịch vùng chiến khu Việt Bắc

So với nhiều nơi khác, vùng chiến khu Việt Bắc có thuận lợi trong việc xác định các yếu tố tham gia xây dựng thương hiệu bởi đặc trưng, khác biệt so với các vùng khác. Trong giai đoạn 2009 - 2016, tổng số khách du lịch đến 6 tỉnh là gần 36 triệu lượt người. Tổng thu xã hội du lịch đạt khoảng 16.300 tỷ đồng. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại các tỉnh cũng đã có bước phát triển. Tính đến hết tháng 7/2016 trên địa bàn 6 tỉnh đã có gần 1.200 cơ sở lưu trú, trong đó có 270 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 4 sao. Trên địa bàn các tỉnh đã có nhiều dự án xây dựng khách sạn đạt chuẩn từ 3 - 4 sao của một số doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, Saigon tourist, Panhou...

Thông qua các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch, các tỉnh đã thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất chuyên ngành, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, điển hình như các dự án: Xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các tỉnh đến 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang), Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Ba Bể (Bắc Kạn); Khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng)... Tổng mức đầu tư vào lĩnh vực du lịch từ các nguồn vốn cho hoạt động du lịch 6 tỉnh giai đoạn 2009 - 2016  đạt trên 25.000 tỷ đồng.

Tài nguyên du lịch phong phú của vùng chiến khu Việt Bắc có nhiều nét đặc thù, khác biệt, là các giá trị cạnh tranh cao. Qua 8 năm xây dựng, các tỉnh trong vùng đã tập trung phát triển được chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng. Sự liên kết vùng tạo dựng thương hiệu du lịch sinh thái điển hình đối với du lịch Bắc Kạn. Là nơi có phong cảnh thiên nhiên vô cùng thơ mộng, tiêu biểu như: sông Năng, hồ Ba Bể - hồ nước đã được Hội nghị các hồ nước ngọt thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ vào năm 1995, Ban thư ký công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1938 của thế giới và thứ 3 của Việt Nam vào năm 2011, Bộ VHTTDL xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012; Vườn quốc gia Ba Bể - Vườn quốc gia được UNESCO công nhận là Vườn di sản ASEAN vào năm 2004…

Du khách thăm lán Tỉn Keo - nơi đây ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua phương án tác chiến mùa xuân năm 1954 của Tổng quân ủy và quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Du khách thăm lán Tỉn Keo - nơi đây ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua phương án tác chiến mùa xuân năm 1954 của Tổng quân ủy và quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Tạo dựng “thương hiệu” du lịch cho vùng chiến khu Việt Bắc

Trong lĩnh vực du lịch, thương hiệu hiểu theo một cách đơn giản là những dấu hiệu, hình ảnh, ấn tượng khác biệt về một điểm đến nào đó. Việc quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch không chỉ có ý nghĩa với riêng vùng chiến khu Việt Bắc mà còn có vai trò quan trọng đối với việc hình thành thương hiệu du lịch cho các tỉnh trong vùng.

Để có thể làm được điều đó, Tổng cục Du lịch cho rằng: Trước hết lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo các sở phụ trách du lịch cần hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản, tập trung nguồn vốn từ các chương trình hành động quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia về du lịch, cải tạo, nâng cấp và kết nối tuyến đường gắn với điểm tham quan. Bên cạnh đó, khuyến khích những thành phần tham gia đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật như: Khách sạn, nhà hàng, hệ thống cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ… Ngoài ra cần xây dựng một chiến lược quảng bá du lịch cho vùng Chiến khu Việt Bắc, tổ chức gặp gỡ các hãng lữ hành quốc tế, tích cực đào tạo nguồn nhân lực.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế khách du lịch đến với vùng chiến khu Việt Bắc là chưa biết được những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt do chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn tương xứng với điểm đến tầm cỡ quốc tế. Vì thế, việc khai thác hiệu quả giá trị di sản để phát triển sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Hơn nữa, phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc phải luôn giữ được sợi dây liên kết với các vùng, miền trên cả nước. Hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để cung cấp thông tin, khảo sát xây dựng tuyến điểm trong đó chú trọng đến tính kết nối giá trị văn hóa vùng chiến khu Việt Bắc với các tuyến điểm trên địa bàn các tỉnh trong vùng nhằm phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Ngành du lịch các tỉnh trong vùng phải xác lập được những thế mạnh riêng, trên cơ sở nâng cao lợi thế cạnh tranh bền vững, không ngừng định vị những lợi thế cạnh tranh quốc gia, quốc tế mới và tìm cách khắc phục những hạn chế của ngành để quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng chiến khu Việt Bắc xứng tầm. Thương hiệu du lịch vùng chiến khu Việt Bắc nên gắn kết mật thiết với hình ảnh của một thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn, những lễ hội đặc sắc, những phong tục tập quan tiêu biểu, những văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo.


Để du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc thực sự trở thành một điểm đến du lịch di sản văn hóa hấp dẫn của khu vực và thế giới, còn nhiều việc cần phải làm. Du lịch vùng chiến khu Việt Bắc phải tiếp cận, xây dựng được sản phẩm đặc thù cho vùng, có các hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn và môi trường tốt. Để tạo hiệu ứng thị giác cho thương hiệu, vùng Chiến khu Việt Bắc cũng cần có biểu trưng (logo) riêng. Vấn đề xây dựng, quảng bá thương hiệu cũng là những yếu tố rất quan trọng. Chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch cho vùng chiến khu Việt Bắc là một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhất quán và đòi hỏi nhận thức cao của chính quyền địa phương. Song song với đó là yêu cầu tham gia của nhiều bên đối tác liên quan, cùng các chuyên gia phù hợp, có trách nhiệm, tầm nhìn. Hy vọng trong thời gian tới, thương hiệu du lịch du lịch vùng chiến khu Việt Bắc với những giá trị di sản văn hóa sẽ định hình rõ nét trong nước cũng như ở nước ngoài.

(còn nữa).

Bích Ngọc

Xem thêm