DU LỊCH QUA NHỮNG MIỀN DI SẢN VIỆT BẮC

Hồ Ba Bể- Di tích danh thắng cấp Quốc gia đặc biệt

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ, ngày 27/9/2012 hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được Thủ tướng Chính phủ công nhận và xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đặc biệt.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ, ngày 27/9/2012 hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được Thủ tướng Chính phủ công nhận và xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đặc biệt.

Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.  Nơi đây đã được công nhận là khu du lịch quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Du khách tham quan trên hồ Ba Bể.

Kiến tạo địa chất độc đáo

Là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, hồ Ba Bể nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, phía Đông Bắc giáp xã Cao Trĩ và Khang Ninh, phía Đông Nam giáp xã Nam Cường và xã Đà Vị, huyện Na Hang, Tuyên Quang. Là hồ nước ngọt tổng diện tích mặt nước là 450ha, hồ dài 9km, rộng từ 0,2 đến 1,7km, hồ sâu từ 17m đến 35m; độ ẩm trung bình hằng năm từ 81 đến 85%, khu vực hồ và lân cận có mạng lưới sông suối dày đặc, các dòng chảy lớn là sông Chợ Lèng, Bó Lù, Tả Han đổ vào hồ từ phía Đông Bắc và phía Tây Bắc. Địa chất và địa mạo của khu vực hồ hết sức phức tạp dẫn đến sự tạo thành các phong cảnh đẹp ngoạn mục với cấu trúc địa chất và đất đai có một không hai, điều đó kéo theo sự hình thành của nhiều hệ sinh thái khác nhau. Qua khảo sát cho thấy sự pha trộn phức tạp của các hệ sinh thái karst điển hình và hệ sinh thái phi karst trong sự hài hòa với các hệ sinh thái sông hồ. Sự đa dạng về địa chất và sinh học như vậy khó có thể bắt gặp ở các nơi khác trên thế giới.

Hồ Ba Bể nằm ở cánh cung sông Gâm, địa hình gồ ghề và cắt xé bởi các ngọn núi cao từ 1.400m đến 1.600m và xen kẽ là các thung lũng. Hồ được nước của hai con sông chảy vào là sông Chợ Lèng và sông Nam Cường rồi chảy ra sông Năng, đổ xuống thác Đầu Đẳng. Địa hình khu vực hồ gồm các loại đá khác nhau tạo nên cấu trúc đặc biệt. Cấu trúc của bồn trũng kiến tạo, nơi đá vôi lắng đọng một cách tương đối bình ổn trên các trầm tích giàu sét cách nước lót đáy, hình thành những dãy nón phóng vật khổng lồ… Có thể nói, Ba Bể trong số không nhiều hồ nước ngọt lớn và đẹp của thế giới trên vùng núi.

Theo kết quả nghiên cứu, tại khu vực hồ Ba Bể có hệ động, thực vật tương đối đa dạng, thực vật có khoảng 162 họ, 673 chi, 1.268 loài trong đó có 37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và 21 loài có tên trong sách đỏ các loài thực vật nguy cấp của IUCN 2004. Về động vật có 450 loài động vật có xương sống, thuộc 99 họ, 32 bộ, bao gồm 81 loài thú, 234 loài chim, 30 loài bò sát… Ngoài ra còn có khoảng 367 loài bướm và nhiều động vật khác.

Qua khảo sát cho thấy, khu vực hồ Ba Bể từng là nơi cư trú của người tiền sử. Tại hang Thẳm Thinh, xã Quảng Khê đã tìm thấy công cụ lao động của người tiền sử thuộc hậu kỳ đồ đá cũ, cách ngày nay khoang 15.000 - 20.000 năm. Tại Động Puông đã tìm thấy công cụ thuộc thời kỳ đồ đá mới khoảng 10.000 năm trước đây. Ngoài những minh chứng trên, sự hình thành hồ còn gắn liền với những truyền thuyết về sự hình thành hồ Ba Bể có quan hệ với hiện tượng có thực.

Các điểm tham quan hấp dẫn

Đến thăm hồ Ba Bể, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy những chiếc thuyền độc mộc độc đáo, không thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Người và thuyền cùng nhàn tản thả lưới, buông câu, chậm rãi khỏa nước nhẹ nhàng. Những chiếc thuyền độc mộc là một nét văn hóa độc đáo góp phần làm tôn thêm giá trị văn hóa của cư dân vùng hồ.

Đảo Bà Góa gắn liền với sự tích truyền thuyết về Hồ Ba Bể.
Đảo Bà Góa gắn liền với sự tích truyền thuyết về hồ Ba Bể.

Xung quanh khu vực hồ có những địa danh quen thuộc như đảo Bà Góa, nằm ở vị trí Pé Lèng là khối đá vôi, các loài cây sinh sống như cây si, vối và một số loài cây khác. Địa điểm này gắn với truyền thuyết hình thành hồ Ba Bể. Đảo An Mã nằm ở vị trí Pé Lù, độ cao từ 27 - 30m so với mặt nước hồ. Trên đảo có đất màu có thể trồng cây, đảo có hình dáng con ngựa lội nước. Tại đây, đền An Mã được phục dựng năm 2005, chiều dài 9m, rộng 6m, vật liệu làm bằng gỗ, mái vồ, ngói vẩy. Ao Tiên nằm phía Bắc của hồ có diện tích 1,5ha, nước trong xanh yên tĩnh, xung quanh là đá vôi. Thác Đầu Đẳng nằm ở phía Tây Bắc của hồ có sông Năng chảy qua 3 bậc chính, tạo thành ghềnh hai bên dốc đứng với các loài cây cổ thụ. Ngoài ra theo thống kê có 20 hang động lớn, nhỏ nằm ở khu vực hồ. Những hang hóa thạch thường nằm ở độ cao tương đối khoảng 10m so với mặt nước hồ. Hang vị trí cao hơn hang hóa thạch thường có độ cao trên 100m. Hồ Ba Bể và vùng phụ cận còn chứa đựng nhiều chứng tiến hóa lâu dài và phức tạp của lịch sử phát triển địa chất, địa mạo.

Đắm mình với vẻ đẹp thiên nhiên hồ Ba Bể, du khách được tìm hiểu sinh hoạt cùng với 5 anh em dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao. Phong tục tập quán ở đây vẫn được duy trì nhất là trang phục, nhà sàn. Sinh hoạt văn hóa dân gian qua các làn điệu then, hát lượn và những câu chuyện truyền thuyết của người Tày, múa khèn của người Mông còn mang đậm bản sắc. Cảnh đẹp lạ thường đã làm cho du khách đến đây có nhiều xúc cảm, nhất là đối với các văn nhân, thi sĩ. Khi vãn cảnh hồ Ba Bể, nhà sử học Trần Huy Liệu đã viết: “Rằng đây lưu thủy cao sơn. Vách phô nhan sắc động vờn hình cung. Đưa người vào chốn mông lung. Đưa người vào chốn mơ mùng thần tiên”. Còn đối với nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông đã sáng tác ca khúc trữ tình về hồ Ba Bể như “Hồ trên núi”, nhạc sĩ Hoa Cương sáng tác bài “Nơi áo Chàm hồ xanh Ba Bể”.

Đồng chí Cao Minh Hải- Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Hiện nay, điểm thu hút nhiều du khách nhất hiện nay của tỉnh Bắc Kạn là khu du lịch hồ Ba Bể. Vào dịp lễ, tết, ngày cuối tuần, lượng du khách đến đây tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượt khách du lịch đến với huyện Ba Bể ước đạt gần 8.000 người. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch huyện Ba Bể nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. Để đảm bảo phục vụ du khách, việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ đã và đang được các cấp chính quyền chú trọng. Theo đó, thời gian qua, hạ tầng cho phát triển du lịch đã được cải thiện đáng kể như: Đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới đã đưa vào sử dụng, tỉnh lộ 254 đã được nâng cấp… Bên cạnh đó, người dân Ba Bể đang chủ động nâng cao chất lượng phục vụ, quảng bá tuyên truyền, liên kết các công ty du lịch… nhằm tạo ấn tượng tốt để thu hút nhiều du khách hơn nữa đến với hồ Ba Bể./.

Bích Ngọc

Xem thêm