Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020

Ghi nhanh: Quý Đôn

Ghi nhanh: Quý Đôn

Ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội bằng những giải pháp hết sức cụ thể trong thời gian tới.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng và phấn đấu đưa tỉnh Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trong nhiệm kỳ này. Đồng chí Ma Trương Thiêm - Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải thể hiện quyết tâm của ngành bằng việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh trong thời gian tới.

Trước mắt, mục tiêu chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh là: 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa; 100% đường huyện, tối thiểu 50% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa; hệ thống cầu cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp được quy hoạch; tối thiểu 35% đường thôn, xóm được cứng hóa; từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn.  

Để đạt được mục tiêu trên, cũng như góp thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết của Đại hội trong nhiệm kỳ này. Ngành Giao thông - Vận tải Bắc Kạn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn mình quản lý theo chiến lược phát triển giao thông nông thôn đã được phê duyệt. Ban hành cơ chế chính sách xây dựng giao thông nông thôn, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm; chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, quản lý, bảo trì giao thông nông thôn. Chỉ đạo các cấp, các ngành huy động tối đa mọi nguồn lực, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Xây dựng và ban hành cơ chế thỏa đáng để huy động nguồn vật tự, vật liệu để phục vụ xây dựng giao thông nông thôn. Khuyến khích các hình thức đầu tư theo hình thức xã hội hóa nhằm phát triển giao thông nông thôn để thu hút mọi nguồn vốn đầu tư. Thực hiện đa dạng hóa và linh hoạt các nguồn vốn huy động, hình thức và phương thức huy động phát triển giao thông nông thôn.

Tăng cường năng lực quản lý giao thông nông thôn, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã cả về kiến thức quản lý và kỹ thuật; cần bố trí cán bộ có đủ năng lực để làm công tác thẩm định theo phân cấp của tỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước và giám sát chất lượng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn huyện, xã. Thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện đặc biệt là với nguồn kinh phí huy động và thi công phải tăng cường sự giám sát của nhân dân thông qua Ban giám sát cộng đồng có sự tham gia của HĐND, đại diện cộng đồng dân cư nơi được hưởng lợi từ công trình. Tích cực phối hợp với các huyện, thành phố lập và điều chỉnh bổ sung quy hoạch giao thông nông thôn trên địa bàn, rà soát gắn quy hoạch phát triển giao thông nông thôn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới... Qua đó, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến giao thông tỉnh, huyện, xã; giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu với các khu công nghiệp, vùng sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm; kết hợp giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Thiếu tướng Ma Văn Lả - Giám đốc Công an tỉnh:  ”Ngành Công an tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự”.

Xác định phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” có vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Làm tốt công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”  vừa là cụ thể hóa quan điểm "lấy dân làm gốc" của Đảng, vừa là phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 loại mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự; có nhiều mô hình được triển khai rộng khắp với số lượng thành viên lớn như: Tổ an ninh nhân dân, Tổ tự quản an ninh, Đội thanh niên xung kích, mô hình cụm an ninh liên hoàn tại các khu vực giáp ranh...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự. Trong thời gian tới, lực lượng Công an tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xây dựng, củng cố hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự. Thường xuyên rà soát, khảo sát, nắm tình hình hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, để có biện pháp khắc phục kịp thời và nhân rộng các mô hình có hiệu quả như: "Tiếng mõ an ninh" tại Thôn Bó Lịn, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông và mô hình Tổ tự quản về an ninh trật tự tại Tổ 17, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng sẽ thường xuyên nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng các mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự có hiệu quả ở các tỉnh khác có điều kiện tương tự như Bắc Kạn để vận dụng, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, triển khai trên trong toàn tỉnh. Góp phần cùng các cấp ngành, địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn ổn định trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nông Quang Nhất – Quyền Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; khai thác hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, góp phần đưa tỉnh ta trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực”

Cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân huyện Chợ Đồn rất vui mừng, phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Trong những năm tới, huyện Chợ Đồn sẽ đẩy mạnh thực hiện tốt các giải pháp như: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong toàn đảng bộ, phát triển hợp lý đội ngũ đảng viên, đặc biệt là đảng viên ở chi bộ thôn, tổ; thực hiện hoàn thành việc chia tách chi bộ thôn còn sinh hoạt ghép để các thôn bản đều có tổ chức đảng và có số lượng đảng viên đủ mạnh để thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị trong sáng, năng lực chuyên môn vững vàng, tận tụy phục vụ nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi vai trò lãnh đạo cũng như triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước tới quần chúng nhân dân.

Thực hiện tốt Nghị quyết 12 – NQ/HU  ngày 11 tháng 7 năm 2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ thôn, tổ với nhiệm vụ trọng tâm là phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ nhằm lãnh đạo các hộ dân thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất hàng năm. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng thực hiện đúng quy định về định kỳ sinh hoạt, các bước trong sinh hoạt theo đúng hướng dẫn của trung ương. Đặc biệt trong sinh hoạt cần tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ được phân công để tạo tiền đề cho việc tham gia góp ý cho đồng chí mình nhằm nâng cao tính thần tự phê bình, phê bình và tính chiến đấu trong tổ chức đảng. Cán bộ lãnh đạo các cấp cần sâu sát với cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có những chủ trường, đường lối phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và có giải pháp hợp lý trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội.

Phát huy sức mạnh của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc huyện nhà tham gia đóng góp trí tuệ, nhân lực, vật lực cho phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho nhân dân tạo dựng đời sống ấm no hạnh phúc. Khơi dạy và huy động trí tuệ, kinh nghiệm của nhân dân nói chung, cán bộ đảng viên nói riêng tích cực tham gia hiến kế, đề xuất các chủ trương, biện pháp để phát triển kinh tế trên địa bàn. Huy động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát huy thế mạnh của địa phương, nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào chế biến sâu khoáng sản, lâm sản tại địa phương nhằm tạo giá trị của công nghiệp chế biến, tăng thu ngân sách, giải quyết công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Chủ động tìm tòi cây trồng vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao, thay thế cây trồng truyền thống giúp nhân dân nâng cao thu nhập. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung những sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương như gạo bao thai, hồng không hạt, cam quýt, chè tuyết, lợn đen địa phương, trâu bò, dê... tạo ra sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Đồng thời, khai thác hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, góp phần đưa tỉnh nhà trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Đồng chí Phạm Duy Hưng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh: “Nâng cao chất lượng và ý thức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo”.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về chỉ tiêu giáo dục, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ 2015 – 2020, ngành Giáo dục sẽ bắt tay vào thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên toàn ngành như: Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành; đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua khác trong toàn ngành: " Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm"; phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các cơ sở giáo dục. 

Thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thông qua bài kiểm tra năng lực, việc thực hiện rà soát, đánh giá đội ngũ còn là cơ sở cho việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo để không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; chú trọng phát triển đội ngũ về năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm hơn về trình độ đào tạo trên chuẩn; xây dựng Kế hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030, đảm bảo phù hợp Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Kạn và điều kiện thực tế của tỉnh. Từng bước bố trí giáo viên các cấp học, cơ sở giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn theo quy định, phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đồng chí Triệu Đức Lân – Bí thư Thành ủy Bắc Kạn: “Huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng thành phố Bắc Kạn xanh – sạch – văn minh”.

Để thành phố trẻ Bắc Kạn thực sự trở thành thành phố xanh - sạch - văn minh, thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong nhiệm kỳ này của cấp ủy, của chính quyền thành phố là, ban hành các thể chế chính sách hiệu quả, hợp lý, có chính sách kiểm tra, giám sát chặt chẽ và linh hoạt đảm bảo cho các nguồn lực được sử dụng thiết thực, có hiệu quả sâu rộng và bền vững. Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể của thành phố theo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã được Đại hội Đảng bộ lần thứ VI của thành phố thông qua, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ và hiện đại. Tạo nền tảng cho mở rộng thành phố cũng như tạo ra các điểm nhấn riêng biệt để phát triển dịch vụ và du lịch. Xây dựng quy hoạch chi tiết dựa trên cơ sở hài hòa giữa diện tích không gian công cộng, không gian “xanh” và diện tích đất xây dựng hợp lý để có thể thu hút xã hội hóa trong đầu tư. Tiếp tục điều chỉnh và quy hoạch sử dụng đất đô thị hợp lý, bảo đảm không gian xanh là tiêu chí quan trọng trong việc quy hoạch.

Tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng thành phố, các nguồn lực cần chú trọng là nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu, nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ. Trong điều kiện ngân sách nhà nước có giới hạn thành phố sẽ đa dạng hóa các hình thức đầu tư khác, để tăng nguồn lực đầu tư như: Hình thức đối tác công tư (PPP), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc mua trái phiếu ngân hàng ưu đãi… Theo thứ tự ưu tiên và khả năng của nguồn lực dự kiến, thành phố sẽ thực hiện các dự án, lĩnh vực như hoàn thiện các dự án đã được đầu tư trên địa bàn toàn thành phố; các dự án liên quan đến vệ sinh môi trường như: Xử lý và thu gom rác thải tập trung, phân tán; chống ngập úng; xử lý nước thải; xây dựng các cơ sở vật chất dân sinh, kinh tế cấp thiết tại cấp xã, phường như: đường nội bộ, trạm y tế, trường học…; khởi công các công trình, dự án mang tính đột phá cho việc mở rộng và phát triển thành phố như: Khu đô thị Bắc Sông Cầu, đường Tây Minh Khai, Cầu Đội Kỳ…

Bên cạnh đó, ban hành Quy chế quản lý đô thị, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn. Các quy chế có tính phổ quát cao liên quan đến mọi hoạt động trong xây dựng và quản lý đô thị, phân công trách nhiệm và nhiệm vụ rõ ràng giữa các cấp chức năng theo cả chiều dọc và chiều ngang. Phân cấp mạnh cho xã, phường, đến tận tổ dân phố, cụm dân cư, nhằm nâng cao ý thức chủ động tự giác của người dân, giao nhiệm vụ phù hợp, tương ứng với từng chủ thể và thành phần công việc, tiến tới giao dần các công việc cho cụm dân cư tự quản, hình thành nhiều khu phố tự quản, công viên và sân chơi tự quản... Ban hành Quy ước thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị của thành phố và sẽ được thông qua từ thôn, tổ dân phố. Quy ước sẽ là nền tảng cho việc thực hiện công tác quản lý đô thị, được thực thi trên tinh thần tự nguyện, tự giác ngay tại cấp cơ sở, từ mỗi người dân, đó là nguồn gốc cho việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị bền vững.../.

Xem thêm