Trang sử hào hùng của Trung đoàn 72

Trong những ngày này, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn cùng sống lại với không khí cách mạng  mùa thu Tháng Tám lịch sử và tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Bắc Kạn. Sự kiện giải phóng Bắc Kạn đã ghi dấu những cống hiến, hy sinh của bao chiến sĩ, đồng bào, trong đó phải kể đến những chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 72.

Trong những ngày này, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn cùng sống lại với không khí cách mạng  mùa thu Tháng Tám lịch sử và tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Bắc Kạn. Sự kiện giải phóng Bắc Kạn đã ghi dấu những cống hiến, hy sinh của bao chiến sĩ, đồng bào, trong đó phải kể đến những chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 72.

axsxsc
Ông Nguyễn Quân, cựu chiến binh Trung đoàn 72 bên bia chiến thắng kỷ niệm Trung đoàn 72 Bắc Kạn trong kháng chiến chống Pháp.

Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Việt Bắc trở thành căn cứ địa cho các cơ quan đầu não của trung ương, chính phủ và lực lượng chủ lực của ta. Để sẵn sàng đánh địch bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, chính quyền và “Thủ đô kháng chiến”, Trung đoàn 23 - tiền thân của Trung đoàn 72 được thành lập. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hầu hết là con em đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên. Được sự thương yêu, giúp đỡ và đùm bọc của chính quyền, nhân dân, Trung đoàn 72 đã không ngừng rèn luyện, ngày một trưởng thành trong thực tiễn chiến đấu.

Trước ý đồ tấn công của thực dân Pháp lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Trung đoàn 72 đuợc điều động lên chiến đấu trên địa bàn Bắc Kạn. Thực hiện phương châm “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, Trung đoàn 72 đã chiến đấu kiên cường và anh dùng, góp phần cùng các đơn vị bạn và nhân dân giải phóng tỉnh Bắc Kạn.

Nhớ về những ngày tháng chiến đấu hào hùng ấy, ông Nguyễn Quân- cựu chiến binh Trung đoàn 72 kể lại: Vừa lao động sản xuất, vừa phải đối phó với các cuộc vây càn của giặc Pháp nên cuộc sống của nhân dân Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn. Dựa vào sự đùm bọc của dân, nên điều kiện sinh hoạt và chiến đấu của Trung đoàn 72 cũng rất gian khó. Địa bàn rừng núi hiểm trở, khó vận chuyển hàng hoá dẫn tới việc thiếu thốn về lương thực, thực phẩm, thuốc men và quần áo khiến bộ đội ta bị ốm rất nhiều. Khi ấy, nhiều đơn vị của Trung đoàn phải chạy ăn từng bữa. Cơm ăn hạn chế, có lúc chỉ có đủ gạo để nấu cháo cho thương binh và người ốm. Thậm chí, có thời kỳ nhiều đơn vị chúng tôi phải ăn chuối xanh, măng đắng chấm muối trừ bữa.

Lần giở những trang sử chiến đấu của Trung đoàn 72, các thế hệ sau này đã biết được phần nào những hy sinh, sức chịu đựng phi thường của những người lính năm xưa. Năm 1948, quân số của Trung đoàn là 1.602 người, song điều kiện khó khăn, quân khu chỉ cấp phát được 200 chiếc chăn trấn thủ. Giầy dép thì còn hiếm hơn nữa, mỗi bận hành quân hay chiến đấu, chân nhiều chiến sỹ tứa máu và đau buốt vì dẫm đạp lên gai rừng. Quần áo thì đa số mặc “nhất bộ tứ mùa”… Thiếu thốn mọi mặt khiến 1.150 chiến sĩ bị sưng lá lách do di chứng sốt rét. Tại các trạm xá quân y và ban quân y lưu động, có tới 2/3 bệnh nhân sốt rét, còn lại là bệnh phổi, kiết lị, tê phù và bệnh ngoài da…

Thật khó tưởng tượng với mọi mặt như vậy, Trung đoàn 72 vẫn kiên cường đối đầu với kẻ địch được trang bị máy bay, thiết giáp, hoả lực mạnh. Qua lời kể của những cựu chiến binh, khi ấy Trung đoàn được trang bị súng Badôka, một số ít đại liên, trung liên, địa lôi làm bằng đầu đạn ghém, còn lại hầu hết là súng trường, mã tấu, gậy tre vót nhọn. Vậy nhưng đơn vị đã gây không ít nỗi khiếp sợ cho quân địch qua các trận công đồn Bành Trạch, đồn Nà Phặc, nhiều trận phục kích trên đường số 3. Từ chỗ sử dụng các hình thức đánh du kích là chủ yếu, Trung đoàn 72 đã từng bước trưởng thành, tiến lên đánh tập kích, cường kích. Từ chỗ sử dụng những lực lượng nhỏ, tiến tới đánh những trận quy mô đại đội, tiểu đoàn. Trong suốt 3 năm chiến đấu, Trung đoàn 72 đã cùng quân và dân trên chiến trường Bắc Kạn làm chậm các mũi tiến công của quân Pháp. Chống đánh nống, ngăn lấn chiếm và thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng của chúng, dồn địch vào một tình thế rất khó khăn và bất lợi.

Trước đà tiến công ào ạt của các mặt trận đường số 4, đường số 3 và các mặt trận Đông Bắc, quân đội viễn chinh Pháp tại cứ điểm Bắc Kạn rơi vào thế bị cô lập. Chúng quyết định rút khỏi Bắc Kạn để củng cố tuyến phòng thủ đường số 4, phong toả biên giới Việt – Trung. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Liên khu 1 giao cho Trung đoàn 72 nhiệm vụ truy kích, tiêu diệt địch. Quân địch tổ chức rút chạy khỏi Ngân Sơn. Ta xác định bố trí đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 55 tại Bằng Khẩu để truy kích tiêu diệt địch.

Ngày 16/8/1949, các đơn vị của Trung đoàn đã hành quân chiếm lĩnh trận địa từ nhiều hướng. Cuộc chiến đấu bắt đầu diễn ra từ rạng sáng ngày 17/8. Địch chống cự quyết liệt, huy động cả máy bay bắn súng 12 li 7  yểm trợ. Tuy nhiên trước sức mạnh tiến công vũ bão, tinh thần hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị bộ đội ta, quân địch buộc phải mở đường máu tháo chạy khỏi Bằng Khẩu. Kết quả của trận chiến đấu, ta tiêu diệt 50 tên địch, phá huỷ và làm hư hỏng 44 xe vận tải, thu được nhiều vũ khí, quân trang… Đây là trận đánh cuối cùng của quân và dân Bắc Kạn trong suốt hai năm kháng chiến chống Pháp. Là mốc son đánh dấu ngày Bắc Kạn hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược.

Ngày 24/8/1949, Lễ mừng chiến thắng Bắc Kạn được tổ chức trọng thể và tưng bừng tại sân bay Cầu Phà (nay là sân bay Bắc Kạn). Tại đây, đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn hân hoan và xúc động khi được nghe đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có đoạn: “Trong cuộc trường kỳ kháng chiến của ta, lần này, là lần đầu tiên một thị xã quan trọng đã được giải phóng. Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn”.

60 năm đã trôi qua, những đóng góp của Trung đoàn 72 trong cuộc chiến đấu giải phóng Bắc Kạn  đã đi vào trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trở về đời thường, các cựu binh từng chiến đấu trong Trung đoàn 72 lại tham gia tích cực vào mọi lĩnh vực công tác. Đội ngũ cán bộ chiến sĩ nhiều người trưởng thành và trở thành cán bộ cao cấp (từ Thiếu tướng tới Đại tướng); nhiều người được giao những trọng trách quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền và các ngành như: Thứ trưởng, đại sứ, cục, vụ, viện trưởng, giáo sư, nhà khoa học, nghệ sĩ nhân dân… Đến nay, cựu chiến binh Trung đoàn 72 hầu hết đều đã bước qua tuổi 80. Ban liên lạc được thành lập từ năm 1994 để hằng năm đồng đội cũ lại được gặp nhau một lần. Trong mỗi câu chuyện hàn huyên bên các mái đầu bạc trắng, chắc không ai có thể quên những kỷ niệm chiến đấu hào hùng tại chiến khu Việt Bắc, nhớ về màu cờ mùa thu Tháng Tám trên quê hương Bắc Kạn./.   

Đăng Bách

Xem thêm