Thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong việc xử lý xe vi phạm quá khổ, quá tải

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, vận tải hàng hóa duy nhất chỉ có đường bộ, với tuyến đường huyết mạch QL3 điểm đầu là Thủ đô Hà Nội, điểm cuối là tỉnh Cao Bằng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải mong muốn việc xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải được lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

l
Lực lượng TTGT và Phòng QLHC Công an tỉnh phối hợp kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe.

Đối với Bắc Kạn, những phương tiện vận tải có trọng tải từ 7 tấn đến trên 20 tấn, chủ yếu là của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thương mại, chế biến hoặc thuê vận tải vật liệu. Hiện nay công tác kiểm soát tải trọng được thực hiện trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ… tuy nhiên vẫn chưa thể kiểm soát hết. Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp địa phương, vẫn còn nhiều xe cơi nới thùng chưa bị cưỡng chế xử lý. Nhiều xe chọn hoạt động về đêm, hoặc theo dõi lực lượng để né tránh, hoặc xe chạy trong các dự án, thi công cụm công nghiệp... mục đích chở quá tải để có lợi nhuận cao.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn có sân chơi bình đẳng. Để bình đẳng trong vận tải, cần sự phối hợp vào cuộc không chỉ thanh tra giao thông, CSGT, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, mà cả chủ đầu tư các dự án, doanh nghiệp chế biến, các nhà thầu xây dựng cần cam kết không sử dụng phương tiện vi phạm các quy định trong hoạt động vận tải với các lỗi như cơi nới thùng thành, chở quá tải. Các xe không cơi nới khi chở hàng sẽ bị hạn chế về khối lượng so với xe cơi nới, dẫn đến giá cước tăng, bên thuê sẽ không lựa chọn, nhất là tại các dự án, các công trình. Đối với các công trình, cần gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với việc sử dụng phương tiện không đúng quy định của nhà thầu.

Thượng tá Ma Văn Hào, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thực hiện các kế hoạch của Bộ Công an, kế hoạch của Công an tỉnh Bắc Kạn, Phòng CSGT triển khai các giải pháp đồng bộ tuần tra kiểm soát trên các tuyến phòng quản lý; phối hợp với công an các huyện, thành phố. Sau hai tháng cao điểm xử lý lỗi cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ trên đường bộ, lực lượng chức năng đã xử lý 183 trường hợp, xử phạt 757 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 136 trường hợp, tước kiểm định 33 trường hợp, giữ phương tiện 08 trường hợp, phát hiện 33 trường hợp tự ý cải tạo phương tiện, cưỡng chế tháo cắt thùng xe 33 trường hợp. Sau hai tháng cao điểm, Phòng tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát các phương tiện vận tải, nhất là lỗi cơi nới thùng xe và chở quá tải. Biện pháp cụ thể là: Trên các tuyến, các ca làm việc nếu để lọt xe vi phạm sẽ xử lý kiểm điểm ca đó.

Ông Ngô Thành Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Quý mong muốn: "Cơ quan chức năng cần quyết liệt, kiểm tra kiểm soát, phát hiện xử lý đối với các phương tiện vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, nhất là trên tuyến huyết mạch QL3 từ Thái Nguyên vào tỉnh Bắc Kạn và từ Cao Bằng vào Bắc Kạn".

Một trong những doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm về các quy định trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường dài là Công ty TNHH Nam Huế. Công ty hiện không có xe cơi nới thùng, luôn đi đúng tải trọng. Cung đường vận tải của công ty là xi măng và phân bón từ Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ… Lãnh đạo công ty mong muốn trên tuyến, lực lượng CSGT xử lý công bằng đối với các phương tiện vận tải đường bộ. Trường hợp vi phạm thì xử phạt, chấp hành tốt thì tạo hành lang thông thoáng, động viên doanh nghiệp và đội ngũ lái xe đảm bảo an toàn giao thông.

Trao đổi về tình trạng cơi nới thùng xe tại một số công trường, ông Nguyễn Kiều Huân, Chánh thanh tra Sở Giao thông tỉnh Bắc Kạn kiến nghị, cần có giải pháp phối hợp và quy định đồng bộ như: Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu ký cam kết không đưa xe vi phạm các quy định vào dự án hoặc xử lý bằng hình ảnh, cung cấp đối chiếu với giấy đăng kiểm về lỗi cơi nới thùng xe. Yêu cầu các nhà thầu sử dụng xe đúng quy định. Nếu làm tốt thì xe quá khổ, cơi nới thùng xe không thể tham gia vận tải được, như vậy sẽ có sân chơi công bằng trong kinh doanh vận tải./.

Trần Tuyến

Xem thêm